Chuyển quyền cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an: Còn nhiều vấn đề đáng bàn

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT về Bộ Công an vẫn đang là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Hàng loạt vấn đề liên quan được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ và đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau.

Các nước phát triển đều để tư nhân làm
Đề xuất chuyển quyền đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an nằm trong bản Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Dự kiến bản dự thảo này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong ít ngày tới.
Là người dành sự quan tâm đặc biệt với dự thảo luật này, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông từng có thời gian công tác tại Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, cách làm tiên tiến đang được áp dụng trên thế giới thì cả Bộ Công an và Bộ GTVT đều không phải cơ quan được trao quyền trong lĩnh vực đào tạo cấp GPLX. “Hiện nay, rất nhiều nước phát triển trên thế giới đều đã giao quyền đào tạo, thi và cấp GPLX cho tư nhân làm” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
 Các nước tiên tiến đều để tư nhân phụ trách đào tạo và cấp GPLX. Ảnh: Lê Thanh
Theo chuyên gia giao thông này, cách làm đang được áp dụng tại các nước phát triển sẽ là cơ quan quản lý Nhà nước ban hành bộ tiêu chuẩn về công tác đào tạo, sát hạch và thi cấp GPLX. Sau đó, các cơ quan tư nhân đứng ra đào tạo và tổ chức thi theo bộ tiêu chuẩn đó. Ai đáp ứng đủ tiêu chuẩn đặt ra sẽ được cấp bằng lái. “Mô hình này giống như mô hình tư thục trong ngành giáo dục vậy. Việc dạy và học còn giao cho tư nhân làm được nữa là đào tạo, cấp GPLX” – TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.
Trở lại với đề xuất chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX về Bộ Công an, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, hiện nay, Bộ Công an đang nắm quyền giám sát, xử phạt vi phạm giao thông trên đường. Nếu như đề xuất trên của cơ quan này được thông qua, Bộ Công an gần như nắm quyền xuyên suốt từ quá trình đào tạo, cấp bằng đến xử phạt lái xe trên đường. Khi đó sẽ có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ. Đó là, việc thay đổi đơn vị phụ trách đào tạo, cấp GPLX có đi đôi với nâng cao chất lượng lái xe và tránh được tiêu cực không?
Bộ Công an muốn phụ trách liệu có đảm bảo và cam kết sẽ làm tốt hơn Bộ GTVT, sẽ không để xảy ra tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX không?...
Đặc biệt, điều quan trọng nhất nhưng không phải ai cũng chú ý tới, đó là sau khi toàn bộ dây chuyền từ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và kiểm tra vi phạm trên đường đều trở về Bộ Công an, cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm tra, giám sát Bộ Công an? “Thay đổi cơ quan phụ trách có giúp thay đổi chất lượng lái xe hay không vẫn cần kiểm chứng nhưng có một điều chắc chắn sẽ phát sinh nhiều thủ tục và chi phí tốn kém” – TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.
Thiếu cơ sở khoa học thuyết phục
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, vào thời điểm năm 1995, khi thực hiện chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX về Bộ GTVT (khi đó đang do Bộ Công an phụ trách) từng xuất hiện rất nhiều ý kiến về việc lực lượng CSGT nên chuyển về Bộ GTVT hay tiếp tục ở lại Bộ Công an.
Từng có ý kiến cho rằng nên để CSGT chuyển về Bộ GTVT rồi sáp nhập với lực lượng Thanh tra giao thông để trở thành một lực lượng phụ trách toàn bộ công tác liên quan đến GPLX, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường. Tuy nhiên, cuối cùng lực lượng CSGT vẫn ở lại Bộ Công an và Bộ GTVT chỉ được giao quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX còn Bộ Công an chịu trách nhiệm trong công tác giám sát, xử phạt vi phạm lái xe trên đường.
Từ câu chuyện trên, chuyên gia Nguyễn Văn Thanh đề xuất, thay vì thực hiện theo đề xuất của Bộ Công an, tại sao không làm ngược lại, tức là chuyển lực lượng CSGT về Bộ GTVT đồng thời vẫn giữ nguyên mọi quyền hạn của lực lượng này như hiện tại.
“Khi đó vẫn sẽ bảo đảm trật tự, ATGT quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX” - ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc chuyển quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ Công an trước đây về Bộ GTVT rồi giờ lại chuyển về Bộ Công an là cách làm “vòng quanh” nhưng chưa chắc mang lại hiệu quả và cũng thiếu cơ sở khoa học thuyết phục.
Nếu cho rằng, Bộ GTVT đang làm không tốt công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thì phải sửa từ Bộ GTVT chứ không phải chuyển về cho Bộ Công an. Còn nếu muốn đảm bảo một quá trình xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX như lý giải của Bộ Công an cũng không nhất thiết phải chuyển cơ quan phụ trách cho thêm rườm rà, tốn kém mà có cách làm khác đơn giản, tiết kiệm hơn rất nhiều.
“Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp GPLX, đăng kiểm, xử phạt vi phạm trên đường..., các cơ quan chỉ cần phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao mà không cần phải chuyển cơ quan phụ trách” – luật sư Bùi Đình Ứng nói.

"Đồng ý rằng việc đào tạo, sát hạch GPLX hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng bằng việc công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, thay vì tranh luận bộ, ngành nào sẽ quản lý." - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên


"Quy trình hiện nay rất rõ ràng, ngành GTVT quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế. Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. Như vậy là không chồng chéo, mỗi cơ quan đảm nhiệm một khâu và có sự giám sát lẫn nhau sẽ minh bạch hơn." - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần