Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov hôm thứ Hai (1/8) cho biết một tàu chở ngũ cốc đầu tiên đã rời cảng Odesa kể từ khi chiến sự nổ ra tại nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cho biết tàu Razoni mang cờ Sierra Leone sẽ hướng đến Lebanon. Tàu dự kiến thả neo ở eo biển Bosphorus, ngoài khơi Istanbul vào chiều thứ Ba và sẽ được kiểm tra bởi một tổ công tác gồm đại diện của Nga, Ukraine, Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là động thái mới nhất diễn ra sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận ngũ cốc do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Istanbul ngày 22/7. Thỏa thuận được kỳ vọng nhằm xoa dịu khủng hoảng lương thực và giảm giá ngũ cốc toàn cầu.
Theo thỏa thuận, tổ công tác gồm đại diện Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ sẽ giám sát hoạt động chất ngũ cốc lên tàu tại cảng của Ukraine, trước khi được vận chuyển qua tuyến đường vạch sẵn trên Biển Đen.
Trung tâm điều phối chung ở Istanbul, bao gồm các đại diện từ LHQ, Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ kiểm tra tàu hàng tới Ukraine để đảm bảo không chở theo vũ khí hoặc vật tư phục vụ tác chiến. Trung tâm này cũng giám sát chặt chẽ tàu hàng chở ngũ cốc trên hành trình từ cảng của Ukraine tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới chức Ukraine tuần trước cho biết 17 tàu hàng đang neo đậu tại cảng trên Biển Đen của Ukraine, có thể chở gần 600.000 tấn hàng hóa. Trong số này, 16 tàu đã được chất đầy ngũ cốc Ukraine và một chiếc đang nhận hàng.
Ông Kubrako cho biết sẽ có thêm nhiều chuyến tàu ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen. Việc mở lại các cảng tại Biển Đen sẽ mang lại cho Ukraine doanh thu ít nhất 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu ngũ cốc.
Hơn 20 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc Ukraine đang mắc kẹt tại các tháp chứa do Biển Đen bị phong tỏa. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau rải thủy lôi trên biển khiến tàu hàng không thể tiếp cận các cảng trong khu vực.
Xuất khẩu ngũ cốc đình trệ được cho là nguyên nhân khiến giá lương thực toàn cầu tăng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nạn đói, đặc biệt ở những nước nghèo nhất thế giới. Nga bác bỏ cáo buộc làm trầm trọng cuộc khủng hoảng thực phẩm, cho rằng nguyên nhân chính là từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên xuất khẩu nông sản và phân bón của nước này.