Hành trình ấy chở theo trong nó đam mê, lửa nghề, sáng tạo và cả câu chuyện làng nghề bước chân vào Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Không chỉ là kế sinh nhai
Vạn Phúc xưa hay Vạn Phúc nay, Bát Tràng thuở Kinh kỳ tụ hội hay Bát Tràng đô thị hóa hôm nay… thì vẫn chộn rộn và óng ả sắc lụa tơ, vẫn ấm nồng và rực đỏ ánh lửa lò nung gốm. Người làng nghề quanh năm bên khung cửi, đan tay trong đất và men gốm… nhưng lúc nào cũng mê mải với thứ nghề cha truyền con nối cùng những “đứa con” ra đời trên đôi bàn tay nghệ nhân tài hoa.
Bền bỉ thế suốt dọc chiều dài Thăng Long - Hà Nội nên không chỉ người làng yêu gốm, yêu lụa thiết tha, mà người tứ xứ cũng mê mẩn để tên Vạn Phúc, Bát Tràng trong niềm ao ước “Em về Vạn Phúc cùng anh/Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người”; “Nâng niu bình gốm, chén trà/Thương ai chuốt đất sớm khuya nhọc nhằn/Giá mà tuổi độ còn xuân/Xin về làm rể, làm dân Bát Tràng”...
Bền bỉ thế suốt dọc chiều dài Thăng Long - Hà Nội, nhất là ngay từ buổi đầu giao thoa, hội nhập văn hóa thế giới, nên người năm châu bốn biển cũng vang danh và tường tận cội nguồn của lụa, gốm. Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới Saad al-Qaddumi không ngần ngại sẻ chia: “Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ.
Từ những sản phẩm gốm sứ tinh mỹ của Bát Tràng đến những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc, không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam. Như nhiều cộng đồng thủ công khác trên thế giới, làng nghề Việt Nam đã trải qua vô vàn thử thách, thăng trầm của lịch sử, nhiều ngành nghề và làng nghề thủ công truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến một cuộc hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, minh chứng rõ nét cho tinh thần kiên trì, bền bỉ của con người Việt Nam”.
Được “kết nạp” vào Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo trên toàn thế giới, nghĩa là làng nghề dệt lụa Vạn Phúc và làng gốm sứ Bát Tràng đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên 4 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Ở đó nhấn mạnh sự công nhận toàn cầu, đổi mới địa phương, cơ hội hợp tác và các yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Nghĩa là sản phẩm của làng nghề truyền thống đã hội đủ trong nó yếu tố thẩm mỹ, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế; hội đủ yếu tố cộng đồng, sáng tạo và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Hơn thế, làng nghề cũng đã và đang thể hiện khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật của mình.
Trân trọng lắm khi ghé chân vào những con đường làng cong cong dáng vẻ lối sống thôn dã xưa để nhận ra, làng nghề vẫn còn nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đang miệt mài gắn bó với nghề. Họ làm việc với lòng đam mê, nhiệt huyết, không chỉ giữ gìn mà còn phát triển văn hóa truyền thống vào sản phẩm. Ví như Vạn Phúc bây giờ vẫn giữ “của riêng” là lụa hoa, lụa trơn, lụa se dệt từ tơ tằm với hoa văn từ truyền thống đến hiện đại. Đặc biệt phải kể đến “đặc sản” lụa Vân - thứ lụa khiến người ta như nhìn thấy mây bay trên đó; chưa kể các nghệ nhân còn khôi phục được Gấm từng bị thất truyền - sản phẩm cùng với lụa Vân đã có mặt tại Đấu xảo Quốc tế Paris và được tặng danh hiệu “Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương”…
Đúng như ông Saad al-Qaddumi nói, thành công của Bát Tràng và Vạn Phúc là nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác, chứng minh rằng với sự đoàn kết, đầu tư và tâm huyết, các ngành thủ công không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực kinh tế và niềm tự hào văn hóa.
Giàu có tài nguyên làng nghề
Nhìn những rạng rỡ từ lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng chợt nhớ, Hà Nội hào hoa đang giữ trong tay cả một mỏ vàng từ các làng nghề thủ công truyền thống - nơi chứa đựng đầy tiềm năng về phát triển thủ công mỹ nghệ và du lịch văn hóa. Đó chính là hai thành tố quan trọng làm nên ngành công nghiệp văn hóa.
Các nhà quản lý đã thống kê, Hà Nội hiện ôm chứa tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, bao gồm 47/52 nghề truyền thống, chiếm tới 56% số lượng trên cả nước. Tính đến hết năm 2022, mảnh đất nghìn năm này có tới 318 làng nghề và làng nghề truyền thống tiêu biểu được công nhận. Chẳng nói đâu xa, trong tổng số 59 làng của huyện Thạch Thất có đến 50 làng nghề, trong đó có 10 địa danh được công nhận “làng nghề truyền thống”. Huyện Phú Xuyên thì không hổ danh “đất trăm nghề” khi 100% làng có nghề (154/154), 43 trong số đó được TP công nhận “làng nghề”. Huyện Hoài Đức thì ngoài 12 làng nghề truyền thống, còn sở hữu tới 54 làng cổ với nhiều di tích lịch sử văn hóa - nền tảng để phát triển du lịch làng nghề - du lịch văn hóa…
Tự hào và hiểu sâu sắc giá trị của làng nghề, nên Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách chiến lược nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề. Trong đó có Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Cùng với đó là những đề án và quy hoạch dài hạn được triển khai, tạo nền tảng để các làng nghề tiếp tục phát triển bền vững, góp phần đưa Thủ đô trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực.
Hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc được ghi danh trong Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo trên thế giới chính là minh chứng cho sức sống, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong thời hiện đại của người Hà thành.
Chính người làng nghề cũng hiểu, trở thành thành viên Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo thế giới chính là cơ hội để làng nghề quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thế giới, định vị tên mình trên bản đồ văn hóa thế giới; đồng thời là tiền đề để giao lưu, học hỏi, tạo tác ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đương đại của thế giới nhưng vẫn giữ được hồn cốt và văn hóa bản địa. Thế nên, thời gian tới đây, các làng nghề sẽ dồn tâm sức thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch làng nghề như con đường mà TP đã định hướng. Và để tạo sức hút riêng, người làng nghề sẽ không ngừng sáng tạo trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để thai nghén ra những sản phẩm mang phong thái riêng của làng nghề.
Câu chuyện từ những đôi bàn tay ở đất Hà thành sẽ còn tiếp nối những hào hoa vì tâm huyết của người làng nghề luôn có điểm tựa vững chắc từ chính quyền TP. Bởi Hà Nội sẽ còn tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công thế giới để quảng bá những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề Thủ đô.