Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa giá trị làng nghề

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các làng nghề của Hà Nội có tính sáng tạo cao, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa như đúc đồng Ngũ Xã, gốm Bát Tràng, dệt Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động…

Việc hai làng nghề nổi tiếng của Hà Nội là gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới, không chỉ là niềm tự hào, sự tôn vinh tinh thần sáng tạo của các nghệ nhân mà còn lan tỏa giá trị làng nghề, thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô.

Thăng Long - Hà Nội vốn nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước không chỉ bởi với các di tích lịch sử, di sản văn hóa mà còn bởi những làng nghề truyền thống vốn đã đi vào sử sách, thơ ca. Hà Nội cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Hiện cả nước có gần 5.400 làng nghề thì Hà Nội chiếm tới 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề.

Các làng nghề của Hà Nội có tính sáng tạo cao, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa như đúc đồng Ngũ Xã, gốm Bát Tràng, dệt Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… Trải qua biết bao thăng trầm, các làng nghề của Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng vốn có. Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn chứa trong từng chi tiết, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội là sự kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ.

Tối 14/2, chính quyền cùng Nhân dân Thủ đô hân hoan tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Được biết, Hội đồng Thủ công thế giới đã công nhận 68 làng nghề thủ công thế giới của 28 quốc gia trên thế giới, trong đó gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là làng nghề thứ 67 và 68 được công nhận. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống đồng thời đáp ứng nhu cầu của thời đại hiện nay.

Cách đây 6 năm, ngày 30/10/2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Việc gia nhập mạng lưới này không chỉ giúp Hà Nội quảng bá văn hóa và sáng tạo nghệ thuật, mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành riêng một Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng nói, trong Nghị quyết này, Hà Nội đã nhận thức sâu sắc về tiềm năng và giá trị của các làng nghề, khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với du lịch phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của Thủ đô, góp phần xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc được đánh giá là áp dụng mô hình phát triển nghề truyền thống gắn với bảo tồn di sản văn hóa, thu hút du lịch thành công của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Do đó, việc hai làng nghề này trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới là nguồn cảm hứng lớn cho các làng nghề tiếp tục phát triển và lan tỏa sức sáng tạo.

Nói như Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới Saad al-Qaddumi, thành công của Bát Tràng và Vạn Phúc là nguồn cảm hứng to lớn cho các quốc gia khác, chứng minh rằng với sự đoàn kết, đầu tư, tâm huyết, các ngành thủ công không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực kinh tế và niềm tự hào văn hóa…