Chuyện vận động, hòa giải tranh chấp ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài ở huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) được tháo gỡ êm xuôi, vừa vẹn cả đôi đường, vừa gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm.

Đúng lý mà vẫn vẹn tình

Trong một lần lên núi, anh Hồ Văn Linh (thôn Vàng, xã Trà Tây) “bật ngửa” vì 2 sào đất của gia đình đã bị người khác canh tác mất. “Biết là người bên thôn Quế, xã Trà Bùi trồng trên đất của mình, dân trong làng bảo cứ nhổ bỏ hết đi, nhưng mình không làm. Dù họ lấn đất mình là sai, nhưng người dân bên đó cũng nghèo khó, sao mà nỡ phá bỏ cho được” - anh Linh chia sẻ.

Hồ Văn Linh (bìa trái) có đất sản xuất bị người dân thôn Quế xâm canh.
Hồ Văn Linh (bìa trái) có đất sản xuất bị người dân thôn Quế xâm canh.

Không riêng anh Linh, hàng chục hộ dân khác ở thôn Vàng cũng bị người dân thôn Quế xâm canh đất để trồng trọt với tổng diện tích 3,2 hecta. Chẳng đành phá miếng ăn của người khác, nhưng cũng không cam tâm nhìn đất của gia đình bị lấn mất…

Tình trạng khó xử này kéo dài đến hơn 2 năm. Sau nhiều lần các hộ dân thôn Vàng cất công lên tận nơi, lời qua tiếng lại để đòi đất nhưng bất thành, họ đành nhờ chính quyền địa phương "đòi giúp".

Theo ông Hồ Thanh Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tây, khu vực canh tác cách thôn Vàng gần chục km đường dốc núi, rất khó đi. Sau khi nghe người dân phản ánh, UBND xã Trà Tây đã phối hợp với UBND xã Trà Bùi cùng các già làng uy tín đi bộ gần 2 giờ đồng hồ vào khu vực đất bị người khác xâm canh để tìm hiểu vụ việc. Sau đó tiến hành vận động các hộ dân dừng ngay việc xâm canh trên đất của người khác.

“Nói là dừng ngay, nhưng lúc ấy cũng phải du di cho các hộ xâm canh thu hoạch xong vụ lúa, sau đó mới yêu cầu trả lại đất. Đụng đến sinh kế của người dân, phải đến tận nơi tìm hiểu cặn kẽ vụ việc thì mới giải quyết ổn thỏa” - ông Vương nói.

Ở miền núi, đất canh tác thường được phân định bằng ranh giới tự nhiên. Từ ngày cây keo lên giá, đất cũng tăng giá trị. Bởi vậy, tình trạng tranh chấp đất sản xuất ở huyện Trà Bồng trở thành vấn đề nổi cộm. Không riêng khu vực Trà Tây và Trà Bùi, ở xã Trà Giang và xã Trà Phú cũng xảy ra tranh chấp đất với diện tích lớn, kéo dài qua nhiều năm.

Một buổi tối cuối tháng 7/2021, cán bộ xã Trà Phú và huyện Trà Bồng phải vào tận miếu Phú Thứ, xã Trà Phú để họp với 35 hộ dân thôn Phú Tài đang canh tác trên đất lâm nghiệp do UBND xã Trà Giang quản lý.  

Tại cuộc họp này, ông Võ Tiến Thế - Bí thư Đảng ủy xã Trà Phú giải thích với 35 hộ dân thôn Phú Tài rằng, họ đang canh tác trên đất lâm nghiệp tiểu khu 41 và tiểu khu 43, giờ phải giao 14/55,8 hecta đất này lại cho UBND xã Trà Giang, để xã cấp cho 14 hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống khó khăn Nóc Ông Đến (thôn 2, xã Trà Giang) chuẩn bị rời làng để tái định cư, rất cần đất sản xuất.

Dù hiểu việc cấp đất cho 14 hộ dân ở Nóc Ông Đến là cấp thiết và chính đáng, song 35 hộ dân ở thôn Phú Tài vẫn chần chừ, vì cho rằng đất này do họ khai khẩn, sản xuất đã lâu. Đồng thời, họ cũng trăn trở với việc sử dụng phần diện tích đất sau khi giao trả.

Võ Văn Anh - Một trong những hộ dân canh tác trên đất lâm nghiệp do UBND xã Trà Giang quản lý.
Võ Văn Anh - Một trong những hộ dân canh tác trên đất lâm nghiệp do UBND xã Trà Giang quản lý.

Anh Võ Văn Anh (thôn Phú Tài) bày tỏ: “Tôi thống nhất giao lại một phần đất đang canh tác cho người dân Nóc Ông Đến ở thôn 2, xã Trà Giang sản xuất. Dù rằng tiếc nhưng việc này là đúng nên phải làm. Tôi và nhiều hộ dân mong muốn đất phải được dùng đúng mục đích”.

Qua nhiều lần thuyết phục, vận động, đến nay, 35 hộ dân ở thôn Phú Tài đã thống nhất giao lại 14 hecta đất cho chính quyền Trà Giang.

Để có cái “gật đầu” của dân

Nóc Ông Đến (tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang) là nơi 14 hộ gia đình người Cor với hơn 60 nhân khẩu định cư biệt lập, sinh sống gần 30 năm qua. Tên của già làng uy tín - Hồ Văn Đến, được mượn để đặt tên cho vùng đất này.

Tới Nóc Ông Đến phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ bằng đường mòn xuyên núi. Nơi đây không có sóng điện thoại, điện thắp sáng dùng bằng sức nước tự chế tạo, tự cung tự cấp mọi thứ. Việc học hành cũng như khi đau ốm đều phải băng rừng để về xuôi.

Từ lâu, chính quyền huyện Trà Bồng muốn ở người dân ở Nóc Ông Đến hạ sơn để có điều kiện sống tốt hơn, nhưng các buổi đối thoại đều thất bại do không nhận được sự đồng thuận từ phía họ.

Đoàn công tác của huyện Trà Bồng băng rừng vào khu vực Nóc Ông Đến (ảnh M.T)
Đoàn công tác của huyện Trà Bồng băng rừng vào khu vực Nóc Ông Đến (ảnh M.T)

Buổi chiều một ngày đầu tháng 4/2022, ông Đặng Minh Thảo - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cùng các cán bộ địa phương lên đường vào Nóc Ông Đến với quyết tâm vận động, thuyết phục dân rời núi.

Đường đi đã khó lại thêm vất vả vì trời đổ mưa. Đoàn của ông Thảo đến nơi lúc trời chập choạng tối. Buổi họp dân được tiến hành. Những trăn trở của 14 hộ gia đình người Cor về nơi ở mới, về đất sản xuất, về chuyện học hành của con em… đều được giải đáp tận tình. Đêm hôm ấy, 14 cánh tay đại diện cho 14 hộ gia đình được đồng loạt giơ cao, bà con đồng tình rời núi.

Các hộ dân ở Nóc Ông Đến đồng thuận hạ sơn.
Các hộ dân ở Nóc Ông Đến đồng thuận hạ sơn.

“Đưa bà con về xuôi rất gian nan, nhưng bằng tất cả sự quyết tâm và trách nhiệm, từ huyện đến xã đã đồng cam, cộng khổ, cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu đồng thuận của bà con. Thật không gì vui bằng. Vui cho sự chia sẻ, vui vì tất cả đều nhìn về tương lai của con em mình. Và lời hứa với người dân Trà Phú khi trả đất cho xã Trà Giang cũng sẽ được thực hiện đúng”, ông Thảo bày tỏ.

 

 Sau khi vận động thành công người dân thôn Quế trả đất cho người dân thôn Vàng, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với các hộ dân nơi đây. Qua cuộc đối thoại, thấu hiểu những khó khăn cũng như nguyện vọng lớn nhất của bà con, ngày 21/4 vừa qua, 3 giếng nước với tổng kinh phí hơn 65 triệu đồng phục vụ sinh hoạt cho 36 hộ dân với 156 nhân khẩu ở khu vực tổ 8 (thôn Quế) được khởi công dưới sự phối hợp của chính quyền huyện Trà Bồng, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và các đơn vị hảo tâm.

Thực tế tại các huyện miền núi, ranh giới đất đai cũng như tập quán sản xuất của người dân rất đặc thù. Bởi vậy, việc đối thoại, giải quyết tranh chấp không hề đơn giản. Tuy nhiên, không ít vụ tranh chấp đất kéo dài đã được chính quyền huyện Trà Bồng giải quyết tương đối ổn thỏa. Điển hình như ở thôn Trà Huynh, xã Hương Trà và thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm; hay tranh chấp đất giữa người dân xã Trà Tây và Trà Bùi...

Nhiều vụ việc tranh chấp sau khi được hòa giải, huyện đã vận động người dân cùng chính quyền tiến hành trồng cây gỗ lớn để tạo môi trường sinh thái, giữ nguồn nước ngầm và phát triển kinh tế về sau, tạo thành nơi có lợi ích chung cho cộng đồng.

“Ở các huyện miền núi, ranh giới đất đai, tập quán sản xuất của người dân có đặc thù riêng. Muốn hòa giải, vận động thành công thì những người làm công tác này phải học cách lắng nghe, học cách thấu hiểu, học cách mềm mỏng và học cách chia sẻ. Từ đó mà nắm được tâm tư, gỡ khó cho đồng bào bằng hành động thiết thực. Có như thế thì  việc đối thoại, hòa giải mới đạt kết quả như mong muốn”, ông Thảo nói.