[Chuyện văn hóa giao tiếp thời Covid-19] Bài 1: Lãnh đạo và nhân viên

Tổng Giám đốc PPG Việt Nam Lê Đông Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trong một tổ chức, một doanh nghiệp có ảnh hưởng rất quan trọng và cốt lõi đến sự thành công của tổ chức, doanh nghiệp.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong quản lý tại một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, tôi rút ra được nhiều bài học quý báu từ thực tiễn trong việc tạo dựng văn hoá doanh nghiệp từ mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên.

Trụ sở chính của Tập đoàn PPG tại Mỹ
Trụ sở chính của Tập đoàn PPG tại Mỹ

Khoảng cách cần thiết và gắn kết “đủ dùng”

Thông thường, trong hệ thống quản lý đa bậc, nhân viên và lãnh đạo thường có khoảng cách nhất định. Khoảng cách này do những khác biệt về cấp bậc, địa vị và quyền lực đem lại. Khoảng cách và duy trì khoảng cách là cần thiết cho việc điều hành, thực thi quyền lực, thực hiện nhiệm vụ của cá nhân và tổ chức, DN. Tuy nhiên trong một số môi trường, một số văn hóa, nếu lãnh đạo không có nhận thức đầy đủ thì khoảng cách này sẽ có xu hướng lớn hơn và hạn chế hiệu quả công việc khi nó làm cho mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trở nên thuần tuý là xã giao, gò bó, không có cơ hội cho tương tác, trao đổi, học tập từ 2 chiều.

Một cách rất tự nhiên khoảng cách này thường có nguy cơ tăng lên do thông thường nhân viên sẽ ít chủ động kết nối và xây dựng mối quan hệ với lãnh đạo của mình. Vì vậy, lãnh đạo cần xác định duy trì khoảng cách cần thiết nhưng cũng tạo sự gắn kết “đủ dùng” để hòa hợp với nhân viên và xóa đi các rào cản có hại do các khác biệt về địa vị, cấp bậc, tuổi tác đem lại.

Một hành động nhỏ như chủ động chào hỏi, bắt chuyện với nhân viên cùng tham gia các hoạt động tập thể, giao lưu, các quan tâm công bằng đến nhân viên cũng góp phần tạo thiện cảm và cải thiện mối quan hệ tích cực với nhân viên của mình. Việc này đôi lúc đòi hỏi sự thay đổi trong tính cách, lối sống, thói quen của chính lãnh đạo nhưng lại tạo ra sự gắn kết, thấu cảm giữa hai phía.

Với cá nhân tôi, sự gắn kết đó đem lại động lực không chỉ cho nhân viên mà cho cả lãnh đạo, trở thành một phần của mối quan hệ nghề nghiệp chuyên nghiệp, một trong những yếu tố dẫn đến thành công và hiệu quả của tổ chức và của cả cá nhân.

Tạo dựng văn hóa cho niềm tin và tôn trọng

Tôn trọng lẫn nhau là một chìa khóa để bắt đầu cũng như duy trì mọi mối quan hệ. Mối quan hệ càng lâu dài thì càng cần duy trì sự tôn trọng lẫn nhau. Lãnh đạo và nhân viên cũng vậy.

Xây dựng một văn hóa DN và công sở có sự tôn trọng và niềm tin giữa lãnh đạo và nhân viên là điều cốt lõi. Có sự tôn trọng mặc định dành cho vị trí quyền lực được công nhận chính thống và có sự tôn trọng, niềm tin của nhân viên dành cho chính tính cách, cách hành xử của cá thể ở vị trí quyền lực đó.

Trong khi sự tôn trọng thứ nhất do vị trí, chức vụ mang lại thì sự tôn trọng thứ hai lại gắn liền với phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo và góp phần tạo nên bản sắc riêng của mỗi nhà quản lý. Để có được sự tôn trọng thứ hai này từ nhân viên, cộng sự thì người quản lý ở vai trò lãnh đạo cần có những tính cách, năng lực riêng mới có thể đắc nhân tâm. Điều này hoàn toàn không do vị trí quản lý mang lại. Có một câu nói mà tôi đọc được ở đâu đó và rất tâm đắc đó là “Dùng người thì phải tin, còn nếu không tin thì đừng dùng”.

Lắng nghe, hồi đáp và dẫn dắt

Lắng nghe là một nghệ thuật trong giao tiếp. Kỹ năng lắng nghe sẽ giúp ta tiếp nhận nhiều kiến thức, kinh nghiệm và cũng giúp các cá thể trong mối quan hệ thấu hiểu hơn về nhau.

Lãnh đạo không chỉ là công việc xây dựng chiến lược và tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức. Lãnh đạo còn cần phải biết trước hết là học cách lắng nghe để hiểu, để hồi đáp và tạo định hướng, trao cơ hội phát triển cho nhân viên của mình. Việc phát hiện tiềm năng và trao cơ hội phát triển cho nhân viên sẽ giúp lãnh đạo nhận được sự tin tưởng, kính trọng và ghi nhận của họ.

Không gì vui bằng nhận được lời cảm ơn của một nhân viên vì đã đặt niềm tin vào họ hơn chính bản thân họ tin vào họ và nhờ niềm tin đó họ đã nỗ lực làm được điều họ được trao gửi, ký thác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu mà lãnh đạo, tổ chức đã đặt ra.

Chương trình "Sắc màu cộng đồng" PPG thực hiện tại Việt Nam
Chương trình "Sắc màu cộng đồng" PPG thực hiện tại Việt Nam

Tướng tài và minh quân

Tài năng và tầm của một người lãnh đạo không chỉ thể hiện của các chỉ số tăng trưởng của DN, các thành tích đã đạt được hay năng lực điều hành mà thể hiện ở chất lượng mối quan hệ với nhân viên và văn hóa mà lãnh đạo tạo ra trong tổ chức, DN.

Thông thường, người ta thường ví lãnh đạo và nhân viên là tướng và quân nhưng tôi lại muốn so sánh nó như quan hệ giữa vua và tướng bởi mỗi nhân viên đều có tiềm năng, năng lực riêng và khi được khai thác tốt, được tạo cơ hội đúng lúc thì các năng lực này sẽ được phát lộ và phát huy hiệu quả, trở thành “tướng lĩnh” trong lĩnh vực, trách nhiệm của mình.

Mỗi người có cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau về mối quan hệ giữa nhân viên và lãnh đạo. Cách tiếp cận đó thường được chi phối và định hình bởi những trải nghiệm của chính mình. Vì thế mỗi lãnh đạo và người quản lý sẽ có cách thực hành, ứng xử riêng để phát triển và nâng cao mối quan hệ của lãnh đạo - nhân viên.

Nhưng điều cơ bản nhất cần ghi nhớ đó là chất lượng mối quan hệ này và cảm giác được thuộc về, niềm tự hào được thuộc về một tổ chức, DN, được làm việc cho một người lãnh đạo mình tin tưởng, tôn trọng mới tạo nên sức mạnh cho cả tổ chức vượt qua những sóng gió và khó khăn để thành công.

Và có lẽ không ít người trong chúng ta không ít lần nhận ra cái níu kéo, thúc đẩy chúng ta tiếp tục ở lại và nỗ lực trong một tổ chức chính là chất lượng của mối quan hệ trong cộng đồng của chính tổ chức ấy, chứ không đơn thuần chỉ là những lợi ích vật chất mà tổ chức đó đem lại.

(Còn nữa)