Người thức thời…
Thực chất, những thành quả Mukesh Ambani có được ngày hôm nay là cả một chuỗi hàng chục năm cố gắng và nỗ lực của 2 thế hệ. Cha đẻ của vị tỷ phú Ấn Độ - Dhirubhai Ambani là người đã định hướng và gây dựng sự nghiệp cho gia tộc giàu nhất châu Á này, mãi cho đến năm 2002 khi ông qua đời.
Ông Dhirubhai khởi nghiệp bằng việc mở một xưởng dệt nhỏ, với chỉ vỏn vẹn 50.000 rupee. Sau một thời gian, ông bắt đầu chuyển sang hóa dầu, buôn bán khí đốt, sản xuất năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối các mặt hàng cơ sở hạ tầng và cả nông sản.
Ông Mukesh bắt đầu kinh doanh vào đầu những năm 1980, khi cha yêu cầu ông bỏ dở việc học ở Anh, trở về Ấn Độ để giám sát hoạt động xây dựng Nhà máy polyester. Nếu như người cha có công xây dựng nên Tập đoàn Reliance Industries thì người con trai kế nghiệp Mukesh lại được biết đến là đã thành công đưa tập đoàn này tiến ra thị trường quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Forbes và Bloomberg, tài sản ròng của tỷ phú Mukesh Ambani đã tăng từ 36,8 tỷ lên 64,5 tỷ USD chỉ trong 58 ngày - “bàn thắng quyết định” để ghi tên ông vào top 10 người giàu nhất hành tinh hiện nay.
Sự gia tăng này được cho chủ yếu là nhờ chính sách thay đổi trọng tâm kinh doanh thức thời của ông Mukesh đối với Tập đoàn Reliance - từ các ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu sang lĩnh vực công nghệ viễn thông và ngành bán lẻ. Reliance Industries, nơi Mukesh Ambani đang nắm giữ 42% cổ phần, từ cảnh nợ nần thì nay đã báo cáo không ghi nhận nợ ròng cho đến mục tiêu tháng 3/2021.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giá dầu đi xuống và nền kinh tế lao đao vì biện pháp phong tỏa để hạn chế lây nhiễm, việc bán cổ phần của các công ty kinh doanh dầu và hóa chất của Reliance gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong thời điểm đó, công ty kỹ thuật số của tập đoàn này là Jio Platforms lại ăn nên làm ra, thu hút được khoảng 15 tỷ USD - tương đương hơn một nửa khoản đầu tư vào các công ty viễn thông trên toàn thế giới trong năm nay.
Lần lượt Facebook, General Atlantic, Silver Lake Partners và quỹ đầu tư nhà nước của Ả Rập Saudi đều trở thành những bên đang nỗ lực rót tiền vào một trong những thị trường thương mại trực tuyến phát triển nhanh nhất thế giới. Một báo cáo hồi tháng 6 của Sanford C. Bernstein dự đoán, “gã khổng lồ” viễn thông Jio có khả năng nắm giữ 48% thị phần thuê bao di động của Ấn Độ vào năm 2025.
Trong thỏa thuận tiềm năng mới nhất được tiết lộ, dự kiến sẽ thúc đẩy tham vọng phát triển lĩnh vực thương mại điện tử của tỷ phú Mukesh Ambani, Reliance được cho đang tiến rất gần đến việc mua cổ phần của một số đơn vị thuộc Future Group - công ty đã hợp tác với Amazon của Mỹ.
Trở lại năm 2016, khi Reliance chính thức giới thiệu rằng Jio là một nhà khai thác viễn thông di động hứa hẹn mức giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Mukesh lúc đó nói rằng internet di động sẽ là công nghệ đi đầu trong sự phát triển của con người.
Ông cảm thấy may mắn khi là người mang lại cuộc cách mạng di động cho 1,2 tỷ người dân Ấn Độ, đồng nghĩa với việc thống trị thị trường không dây siêu cạnh tranh của quốc gia này. Với số tiền vốn khổng lồ, dịch vụ của Jio hoàn toàn miễn phí, được cung cấp dưới dạng thử nghiệm mở rộng tới 3 triệu khách hàng.
… hay kẻ sẵn sàng “diệt thân”?
Khi ông Dhirubhai Ambani qua đời vì đột quỵ vào tháng 7/2002 nhưng không để lại di chúc nào, ít ai ngờ rằng điều này trở thành bước ngoặt, mở đầu một cuộc huynh đệ tương tàn trong gia tộc giàu có vốn nổi tiếng trên dưới hòa thuận này.
Năm 2010, khi giá dầu thô trên thế giới tăng khiến mảng lợi nhuận từ lọc dầu mà ông Mukesh Ambani đang nắm giữ bị sụt giảm nghiêm trọng. Lúc này, lĩnh vực mà ông đang để mắt đến là viễn thông, một mảng mà người em ruột Anil Ambani của ông đang nắm giữ. Ngay lập tức, anh em nhà Ambani trở thành đối thủ trên thương trường. Ông Mukesh mở rộng kinh doanh và tấn công vào lĩnh vực của em trai chính bằng sự ra đời của Jio Platforms, khiến cho mối bất hòa giữa cả 2 ngày càng trở nên sâu sắc.
Thành công từ Jio của Mukesh thực sự đã truyền cảm hứng cho nhiều người, nhưng mặt khác đã khiến cho số phận kinh doanh của người em Anil bị áp chế hoàn toàn. Với lượng tiền mặt khổng lồ, Reliance sẵn sàng đốt tiền nhiều năm để tung ra các gói dịch vụ siêu rẻ nhằm xây dựng tập khách hàng lớn, trung thành để sau này mang lại lợi nhuận.
Jio đã kết liễu số phận nhà mạng Reliance Communications của Anil năm 2019, khi buộc đối thủ nộp đơn xin phá sản. Cũng vào những ngày đầu năm mới của năm 2019, một phiên xử tại Tòa án Tối cao New Delhi chật cứng người, chứng kiến cựu tỷ phú Anil Ambani được triệu tập để trả lời những cáo buộc hình sự về khoản nợ đối với Ericsson (Thụy Điển).
Vài tháng sau đó, khi ông Anil đã gần như bị giam giữ một thời gian, anh em nhà Ambani đạt được một thỏa thuận. Trong một thông cáo báo chí sau đó, Anil cảm ơn anh trai mình đã đứng ra trả cho ông khoản nợ 80 triệu USD.
Tuy nhiên, Bloomberg dẫn nguồn những người trong cuộc tiết lộ, để đổi lấy số tiền của Mukesh, Anil đã phải nhượng lại 2 hợp đồng cho thuê văn phòng ở Mumbai. Thông cáo trích lời Anil, nhưng được soạn thảo bởi phía Mukesh và thực chất người em trai chỉ được xem qua trước khi công bố.
Trong phiên điều trần hồi tháng 2 năm nay, Anil Ambani lập luận rằng không còn đủ khả năng chi trả những khoản nợ trị giá 300 triệu USD từ thất bại của Reliance Communications. Thẩm phán David Waksman tỏ ra nghi ngờ, cho rằng luôn có khả năng người anh Mukesh Ambani sẽ tiếp tục cứu giúp ông. Anil phủ nhận điều này ngay trước tòa: “Tôi khẳng định đã hỏi rồi, nhưng không thể huy động thêm bất kỳ nguồn tài chính nào từ bên ngoài”.
“Sản phẩm” của một xã hội đặc thù
Theo một số nhà quan sát, khối tài sản không ngừng tăng lên của tỷ phú Mukesh Ambani, bất chấp cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay, có thể là hồi chuông cảnh báo về sự chia rẽ sâu sắc trong nền kinh tế Ấn Độ. Trong đó, nhóm 10% giàu nhất nước này nắm giữ 3/4 tổng tài sản và hầu hết giá trị tài sản mới đều nằm trong tay nhóm 1% giàu nhất.
Cuộc sống của Mukesh được đánh giá là vô cùng xa xỉ, khi xây một tòa tháp cao tới 27 tầng trị giá 1 tỷ USD nhưng chỉ có 6 thành viên trong gia đình. Bên trong ngôi nhà có đủ sân bay trực thăng, thư viện, hồ bơi, một khu ăn uống rộng lớn và tất cả các tường đều được lát đá cẩm thạch, trở thành tư gia đắt nhất nhì thế giới thời điểm này.
Ngoài ra, Mukesh Ambani còn sở hữu một đội cricket Mumbai chuyên nghiệp ở tầm thế giới, một máy bay Boeing Business Jet với sự kết hợp giữa khách sạn và phòng họp trong máy bay, một bộ sưu tập xe hơi gồm 168 chiếc… Trong khi đó, xung quanh ngôi nhà ông là cuộc sống đầy cơ cực của những người dân TP Mumbai, nơi hàng triệu người đang sống trong các khu ổ chuột và hàng trăm nghìn người không có nhà để ở.
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Neranda Modi - nhà lãnh đạo luôn ưu tiên đầu tư và hiện đại hóa - tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho ông Mukesh. Theo những người thân cận với gia đình Ambani, Mukesh hiếm khi phải xin gặp ông Modi mà thay vào đó là thường xuyên được mời đến dinh thự của Thủ tướng để bàn bạc.
Ngày nay, Mukesh Ambani đã thoát khỏi hình ảnh ẩn dật cũ của mình. Ông tỏ ra thân thiện hơn trong các buổi phỏng vấn quảng bá cho Jio, tích cực tham gia các sự kiện lớn như Diễn đàn kinh tế thế giới, Sáng kiến đầu tư tương lai. Ông và vợ Nita trở thành những người gắn kết xã hội thượng lưu Mumbai. Trước khi đại dịch xảy ra, hầu như không tuần nào biệt thự 27 tầng của ông thiếu vắng sự kiện.