Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ chế đặc thù hỗ trợ hơn 200.000 người lao động bị nợ đóng BHXH

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước thực tế hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), Tổng Liên đoàn đề xuất Chính phủ trình Quốc hội có cơ chế đặc thù để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng đã có trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.

Thưa ông, xin ông cho biết tình hình cụ thể về hơn 200.000 người lao động bị DN nợ đóng BHXH?

- Tình trạng DN trốn đóng, chậm đóng hay còn gọi là nợ đóng BHXH đã diễn ra từ lâu và có những diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có được, giai đoạn này tổng số tiền mà các DN chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động là hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,1% trong tổng số phải thu theo kế hoạch của BHXH Việt Nam. Trong đó, số tiền nợ đóng BHXH của các DN giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn là 3.500 tỷ đồng, tính cả tiền lãi; ảnh hưởng đến quyền lợi của trên 206.000 người lao động.

Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đã diễn ra từ lâu và có những diễn biến phức tạp. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đã diễn ra từ lâu và có những diễn biến phức tạp. Ảnh: Trần Oanh.

Chúng ta đều biết, nguyên tắc đóng hưởng đã được quy định trong Luật BHXH. Khi DN nợ đóng BHXH, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, dù họ đã nộp BHXH cho DN. Khi bị nợ đóng BHXH, người lao động không được hưởng các chế độ; không chốt được sổ BHXH kể cả đã chuyển đến nơi khác làm việc; đến tuổi về hưu thì không chốt được sổ BHXH… Như vậy, người lao động bị nợ đóng BHXH đồng nghĩa với quyền lợi “đóng băng”, cuộc sống rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kiến nghị gì để giải quyết tình trạng nợ đóng BHXH?

- Cách đây nhiều năm (2015, 2016 và 2017), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất chính sách xây dựng nghị định giải quyết quyền lợi của người lao động theo khoản 7, Điều 10 Luật BHXH trong một số trường hợp. Vì những trường hợp nợ đóng BHXH rất khó thu hồi nên Tổng Liên đoàn đề xuất phương án: Sau khi các quyền lợi của người lao động được chốt lại thì tài sản thanh lý của các đơn vị phá sản, giải thể bù vào để trả khoản tiền nợ BHXH. Trường hợp không trả được nợ BHXH thì có các phương án: Lấy tiền từ nguồn thu xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, kể cả xử lý vi phạm về tai nạn lao động để đóng BHXH bù cho người lao động; lấy tiền lãi mà DN phải nộp do vi phạm chậm đóng BHXH để chốt sổ BHXH cho người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất Chính phủ có trình Quốc hội xem xét có cơ chế đặc thù để giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng BHXH. Ảnh minh họa: Phạm Hùng. 
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất Chính phủ có trình Quốc hội xem xét có cơ chế đặc thù để giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng BHXH. Ảnh minh họa: Phạm Hùng. 

Nhưng sau khi xin ý kiến của Bộ Tư pháp và một số bộ khác, cho rằng vướng về pháp luật; vì trong Luật Ngân sách, Luật Bảo hiểm y tế, Luật BHXH, Luật Việc làm, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không quy định. Vì thế nghị định đó không thể ban hành được.

Giai đoạn này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ có giải pháp tốt nhất là: Chính phủ trình Quốc hội xem xét có cơ chế đặc thù để giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng BHXH (tương tự như Quốc hội cho phép hỗ trợ trực tiếp cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp). Còn nếu quyền lợi của người lao động bj nợ BHXH không được hỗ trợ thì họ rất thiệt thòi và ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Năm nào cũng có tình trạng DN nợ đóng BHXH. Theo ông, tới đây, chúng ta nên sửa Luật BHXH theo hướng nào để người lao động không bị thiệt thòi vì bị chậm đóng, trốn đóng BHXH?

- Để giảm thiểu tình trạng nợ đóng BHXH thì có nhiều yếu tố, trong đó có quy định của pháp luật, tổ chức thực thi, ý thức tuân thủ pháp luật. Riêng về yếu tố pháp luật thì chắc chắn phải sửa để nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Thứ nữa là tạo ra cơ chế, theo tinh thần hệ thống BHXH là phải công khai, minh bạch các DN trốn đóng, chậm đóng BHXH. Những DN trốn đóng, nợ đóng BHXH không được tham gia các hoạt động đấu thầu.

Thứ ba, cơ chế giám sát của các cơ quan có chức năng, trong đó có cả Công đoàn được thông thoáng hơn… Ngoài ra là phải sửa đồng loạt các yếu tố khác nữa và có lẽ yếu tố thực thi là hết sức quan trọng.

Tôi muốn nhấn mạnh đến việc khi DN nợ đóng BHXH thì ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Không chỉ vậy, có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tham gia BHXH. Rất nhiều người cho rằng: Hình ảnh nhiều người lao động tham gia BHXH bao nhiêu năm đến khi DN phá sản, bỏ trốn thì không giải quyết được quyền lợi đã khiến họ mất niềm tin ở lại trong hệ thống BHXH. Và đã có những người rút BHXH một lần. Như vậy, tính bền vững của chính sách mà chúng ta đang hướng tới mục tiêu BHXH đa dạng, đa tầng, linh hoạt, hiện đại và bền vững sẽ không đạt được.

Vì thế, rất cần Quốc hội có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ hơn 206.000 người lao động bị  DN nợ đóng BHXH. Cùng với đó là tới đây hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm tạo niềm tin, thu hút người lao động tham gia BHXH để hệ thống chính sách an sinh xã hội được bền vững.

Xin cảm ơn ông!

 

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là thành lập các nhóm để giải quyết vấn đề DN nợ đóng BHXH. Về phía Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Phó Thủ tướng; bên Tổng Liên đoàn thành lập các nhóm để sau này giải quyết. Vấn đề này cần giải quyết khẩn trương nhưng cũng phải theo đúng quy trình vì tương đối khó, cần phải cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là quyết định của pháp luật” – Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Lê Đình Quảng cho hay.