Cơ chế lồng ghép nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông: Lời giải cho bài toán khó

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huy động tiền để đầu tư cho hạ tầng giao thông trong bối cảnh cả ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội đang gặp khó là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, bài toán khó này dường như đã có lời giải với cơ chế lồng ghép nguồn vốn đang được triển khai.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là ''siêu dự án'' cần huy động rất nhiều nguồn lực. (Ảnh: Lê Anh).
Gợi ý cho đầu tư hạ tầng giao thông
Cơ chế lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vốn không phải mới tại nhiều địa phương. Đơn cử tại tỉnh Điện Biên - địa phương này đã thực hiện cơ chế lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khá hiệu quả.
Cụ thể, sau 10 năm triển khai (từ 2011 - 2020), Điện Biên đã huy động tổng nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 17.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tỉ lệ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ chiếm 10,53% trong khi các nguồn vốn lồng ghép chiếm 89,47%. Do đó, việc huy động nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình luôn được các cấp, ngành sử dụng hiệu quả.
Việc lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu quốc gia cũng được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như Đắk Nông lồng ghép nguồn vốn để thực hiện xóa đói giảm nghèo; Kon Tum lồng ghép nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo...
Sự thành công của các địa phương đã mang tới một sự gợi mở cho ngành giao thông vận tải (GTVT) nhằm giải quyết bài toán huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Và Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ được cùng TP Đà Nẵng lồng ghép nguồn vốn để thực hiện đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL14B đoạn qua địa phương này.
Theo đề xuất, Bộ GTVT chịu trách nhiệm bố trí kinh phí đầu tư tương ứng với bề rộng nền đường 20,5m. UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm bố trí kinh phí đầu tư tương ứng với phần mở rộng theo quy mô phân kỳ mặt cắt ngang quy hoạch của địa phương lên thành 34m.
Lợi ích kép
Bộ GTVT cho biết, việc lồng ghép nguồn vốn để đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL14B đoạn qua TP Đà Nẵng là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Đầu tư công về tổ chức điều hành kế hoạch đầu tư công. Ngoài giải quyết được bài toán huy động nguồn vốn cho dự án thì cơ chế lồng ghép nguồn vốn sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Bởi nếu theo cơ chế ban đầu, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí ngân sách T.Ư để đầu tư cải tạo nâng cấp đoạn tuyến đi trùng với đoạn có quy hoạch của TP Đà Nẵng đảm bảo theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe với bề rộng nền đường 20,5m. Sau đó, TP Đà Nẵng tiến hành mở rộng thành đường trục chính đô thị quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 34m theo quy hoạch chung của TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 sẽ rất lãng phí.
Còn nếu với cơ chế lồng ghép nguồn vốn, phần ngân sách T.Ư bố trí cho Bộ GTVT tương ứng với kinh phí đầu tư theo quy mô bề rộng nền đường là 20,5m. Phần vốn ngân sách của TP Đà Nẵng tương ứng với phần kinh phí tăng thêm khi kết hợp đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy hoạch của địa phương với bề rộng nền đường 34m. Đây sẽ là cách tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

Cũng có ý kiến đề xuất, Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh việc đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, nhằm kết nối, khép kín các tuyến vành đai. Trong đó, tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3,5, Vành đai 4; các trục hướng tâm, trục chính đô thị chủ yếu; hệ thống các cầu qua sông; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông... Để có nguồn vốn linh hoạt, đáp ứng tiến độ triển khai, TP Hà Nội có thể tính toán tới việc thực hiện cơ chế này.

Cơ chế lồng ghép nguồn vốn sẽ phát huy được nguồn lực của các địa phương trong làm đường giao thông. (Ảnh: Lê Thanh).
Cần nghiên cứu kỹ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho biết, nếu cơ chế lồng ghép nguồn vốn thật sự hiệu quả và ưu việt như nhận định của Bộ GTVT rất nên áp dụng và nhân rộng. Đây sẽ là lời giải cho bài toán huy động nguồn lực để làm đường giao thông.
“Ngân sách Nhà nước đang gặp khó trong khi các nguồn lực xã hội cũng cạn kiệt vì dịch bệnh và kể cả tìm được nguồn lực thì huy động thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, người dân và DN là điều không đơn giản. Bài học về BOT giao thông vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, cơ chế lồng ghép nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông như Bộ GTVT đề xuất sẽ là một hướng đi mới nên xem xét” - PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo rằng, mọi ý tưởng, cách làm mới đều cần phải xem xét, nghiên cứu thật kỹ lưỡng để đảm bảo không có những bất cập phát sinh, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông vốn không thiếu sự phức tạp.
“BOT giao thông lúc mới mang về Việt Nam được ca ngợi là rất ưu việt. Đến khi triển khai mới lộ ra hàng loạt bất cập, sai phạm. Cái chính vẫn là cơ chế quản lý, giám sát phải thật chặt chẽ; chế tài phải thật nghiêm minh, rõ ràng. Chỉ có thế mới đảm bảo cho những cơ chế, chính sách mới thật sự phát huy hiệu quả khi đi vào cuộc sống” - chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.