Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, PGS-TS Hoàng Thị Lâm - Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng (Đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu (Bệnh viện E) cho rằng, các đối tượng này thật sự cần đến các chuyên gia dị ứng để trao thêm cho họ cơ hội được tiêm vaccine an toàn.
|
Hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đang tham gia vào quá trình tiêm vaccine quy mô lớn để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Những trường hợp nào có nguy cơ cao dị ứng vaccine, thưa bà?
- Trong quá trình tiêm vaccine Covid-19, rải rác đã có các báo cáo về một số trường hợp sốc phản vệ do vaccine. Với các vaccine nói chung, tỷ lệ phản vệ rất hiếm gặp, còn đối với vaccine phòng Covid-19, tỷ lệ phản vệ tuy có cao hơn, nhưng sốc phản vệ vẫn là hiếm gặp.
Có nhiều cách phân chia các phản ứng dị ứng, trong đó có một cách đơn giản là phân chia theo thời gian xuất hiện triệu chứng, để chia ra làm hai loại: Thứ nhất, dị ứng nhanh xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng vaccine và thứ hai, dị ứng chậm xuất hiện triệu chứng dị ứng vài giờ đến vài ngày, thậm chí vài tuần sau khi sử dụng vaccine. Dị ứng nhanh là dị ứng qua trung gian IgE, hay còn gọi là dị ứng typ I, typ IgE. Kháng thể IgE đặc hiệu với vaccine được xác định bởi quá trình phân hủy tế bào Mast ở da, đường hô hấp, đường tiêu hóa hoặc trong huyết thanh…
Những người có nguy cơ cao dị ứng vaccine là những người có cơ địa dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng nọc côn trùng, dị ứng với các dị nguyên đường hô hấp (mạt bụi nhà, lông súc vật, phấn hoa, gián…), hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, mày đay, phản vệ vô căn, bệnh tế bào Mast...
Vậy, các trường hợp có cơ địa dị ứng này làm thế nào có cơ hội được tiêm vaccine an toàn, thưa bà?
- Theo Tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO), những bệnh nhân có cơ địa dị ứng này nên được thăm khám, đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa dị ứng (nếu có) trước khi tiêm vaccine, để đánh giá nguy cơ dị ứng vaccine. Phần lớn các bệnh nhân sẽ được tiêm vaccine giống như những người bình thường, nhưng cần ở lại theo dõi 30 phút sau tiêm.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng |
Hiện nay, có một số đối tượng bị trì hoãn tiêm vaccine do có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên hoặc có dị ứng với vaccine Covid-19. Những đối tượng này thật sự rất cần đến các chuyên gia dị ứng để trao thêm cho họ cơ hội được tiêm vaccine an toàn.
Theo bà, những người có cơ địa dị ứng nặng mong muốn tiêm vaccine phòng Covid-19 có cần thiết thực hiện test trước khi tiêm?
- Theo Hội Hen Dị ứng Miễn dịch Hoa kỳ (AAAAI), mặc dù hiếm gặp phản vệ do vaccine, nhưng những người có nguy cơ nên được đánh giá cẩn thận bằng thăm khám bởi các bác sỹ dị ứng và trong các trường hợp cần thiết có thể thực hiện test da với bản thân vaccine và/hoặc thành phần của nó. Xác định IgE đặc hiệu với vaccine, đặc biệt là vaccine Covid-19 trong huyết thanh cũng có thể được thực hiện, trong tương lai gần.
Trong những trường hợp đặc biệt, test kích thích (tiêu chuẩn vàng chẩn đoán dị ứng thuốc hoặc vaccine) sẽ được các bác sĩ dị ứng chỉ định. Đây là thủ thuật chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa dị ứng tại các bệnh viện có đơn vị hồi sức cấp cứu.
“Uptodate” - trang web y khoa được các bác sĩ trên toàn thế giới ưa thích tham khảo trong quá trình thực hành lâm sàng cũng cho biết, có thể thực hiện test da đối với các đối tượng này. Test da có thể thực hiện với chính bản thân vaccine và/hoặc thành phần của vaccine để xác định phản ứng dị ứng qua trung gian IgE. Test có thể thực hiện nguyên nồng độ hoặc pha loãng tuỳ từng tình trạng cụ thể. Test được thực hiện với một lượng vaccine hoặc thành phần vaccine rất nhỏ (thường sử dụng sau khi đã tiêm đến liều cuối cùng của lọ vaccine) nên không ảnh hưởng đến số liều vaccine cụ thể.
Những người cơ địa dị ứng có nguy cơ dị ứng vaccine |
Ở những đối tượng này, nếu test da âm tính, vaccine sẽ được sử dụng theo cách bình thường, nhưng vẫn cần quan sát cẩn thận sau tiêm. Nếu test da dương tính, vaccine cần được dùng với liều nhỏ tăng dần dưới sự quan sát của bác sỹ chuyên khoa dị ứng, tại các bệnh viện có đơn vị hồi sức cấp cứu. Một số trường hợp bệnh nhân có phản ứng giống phản vệ nhưng không do cơ chế miễn dịch, tức không phải phản ứng dị ứng; ví dụ như cường phế vị, phân hủy tế bào Mast trực tiếp do các mảnh bổ thể hoặc qua con đường đông máu, không phải là chống chỉ định cho lần sử dụng vaccine kế tiếp.
Trước nguy cơ phản vệ do vaccine phòng Covid-19, theo bà cần phải làm thế nào để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng?
- Theo Hội Dị ứng Miễn dịch lâm sàng châu Âu (EAACI), tất cả các trường hợp phản vệ do vaccine nên cố gắng xác định được dị nguyên nghi ngờ. Nguyên nhân gây dị ứng vaccine hay xảy ra với các chất bảo quản, tá dược hơn là chính bản thân vaccine. Vaccine Covid-19 (Pfizer BioNTech, Moderna, Astra Zeneca, Janssen…) chứa hai thành phần PolyEthylene Glycol (PEG) và Polysorbate là hai thành phần như vậy, hiện nay đang được cho là thủ phạm của dị ứng vaccine.
Thực tế, tỷ lệ dị ứng với vaccine, đặc biệt là phản vệ với vaccine Covid-19 rất thấp. Mặc dù vậy, với số lượng tiêm vaccine rất lớn, số lượng người bị dị ứng vaccine cũng tăng lên; chính vì vậy, vai trò của bác sĩ dị ứng càng trở nên cần thiết. Mặt khác, tại các điểm tiêm vaccine nên trang bị các phương tiện sẵn sàng cấp cứu sốc phản vệ theo đúng thông tư của Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình tiêm vaccine.
Xin trân trọng cảm ơn bà!