“Có địa phương e ngại việc tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi”

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương đã chia sẻ như trên tại Tọa đàm Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn, đảm bảo cung cầu thực phẩm dịp Tết được tổ chức chiều 14/11.

Quang cảnh Toạ đàm
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, hiện nay, giá lợn đang có đấu hiệu tăng tương đối nhanh. Giá chủ lưu/chính thống vào khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Tuy nhiên, cá biệt có vùng tăng cao đến 75.000 - 76.000 đồng/kg.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn cung mà là do vấn đề lưu thông, qua nhiều khâu trung gian khiến giá lợn tại một số vùng tăng cao. “Về cơ bản, giá thịt lợn vẫn là do người Việt đang tự tạo ra, chứ không có tác động bên ngoài” - ông Dương nói.
Theo ông Dương, từ nay đến cuối năm 2019, không chỉ có giá thịt lợn mà giá thực phẩm nói chung sẽ tăng. Đối với thịt lợn, giá có thể tăng thêm khoảng 20 - 25%. “Tăng cao đến đâu, có gây đột biến về giá không thì phụ thuộc vào việc chúng ta có làm tốt các giải pháp bình ổn giá hay không” - ông Dương nói.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương phát biểu ý kiến 
Một trong những giải pháp được đại diện Cục Chăn nuôi đề cập tới là tái đàn và tăng đàn tại các vùng an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên theo ông Dương, có địa phương còn tư tưởng e ngại tái đàn. Về việc này, địa phương không được né tránh, phải có trách nhiệm hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn…
Đại diện Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, đừng mong hết dịch mới tái đàn, bởi Việt Nam sẽ còn phải chung sống với dịch tả lợn châu Phi một thời gian nữa. Do đó, các địa phương chú ý, cố gắng mạnh dạn tái đàn nhưng thực hiện có kiểm soát.  
Để bình ổn thị trường thịt lợn, nhiều ý kiến cho rằng, ngành công thương cũng cần vào cuộc vì vấn đề lưu thông rất quan trọng. Trong các giải pháp, cần ưu tiên để bình ổn mặt hàng thịt lợn, phá vỡ trật tự của thị trường lâu nay. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về nguồn cung, giá cả các mặt hàng, đặc biệt là thịt lợn để người dân biết, chủ động thay đổi cơ cấu bữa ăn nhằm giảm áp lực cho ngành hàng này. 
Thống kê cho thấy, tính đến hết 13/11, dịch tả lợn châu Phi đã khiến trên 5,8 triệu con lợn (khoảng 330.000 tấn) bị tiêu hủy, khoảng 8,5% tổng khối lượng lợn hơi cả nước. Hiện có gần 5.000 xã (gần 60% xã có dịch bệnh đã qua 30 ngày). Có 10 tỉnh, TP có trên 85% tổng số xã qua 30 ngày không còn dịch bệnh. Riêng tỉnh Hưng Yên đã hết dịch, địa phương đang tổ chức tái đàn.