Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có được thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi

Vợ chồng tôi ly hôn đã được 3 năm, bố cháu là người được nuôi con. Thời gian gần đây, do tính chất công việc nên chồng cũ tôi không có thời gian ở nhà chăm sóc con. Thỉnh thoảng do tiếp khách anh còn say rượu. Năm nay con tôi 6 tuổi; đang trong tuổi ăn, tuổi học nhưng bé không được giáo dục và chăm sóc đầy đủ. Cháu nói muốn về ở với mẹ. Trong trường hợp này, tôi có được yêu cầu Toà án thay đổi quyền nuôi con để đón cháu về ở với mình hay không?

Trả lời

Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: 

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Với quy định trên, nếu muốn giành quyền trực tiếp nuôi con, bạn có thể có thỏa thuận với chồng cũ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc phải chứng minh chồng cũ của bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu xét thấy yêu cầu này là tự nguyện, xuất phát từ quyền lợi của con cái thì cũng được pháp luật công nhận.

Điều kiện trực tiếp nuôi con được hiểu bao gồm:

+ Điều kiện kinh tế: Có việc làm, có thu nhập ổn định, đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của con, có chỗ ở ổn định và có đủ điều kiện để con vui chơi, học tập, giải trí.

+ Điều kiện nhân thân: Có lối sống lành mạnh, tuân thủ các quy định của pháp luật, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, sống gương mẫu, đảm bảo con có thể sống trong môi trường văn minh và có thời gian chăm sóc con.

Luật sư Dương Thị Bích Hạnh - Giám đốc Công ty Luật TNHH DBH, Hà Nội

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn