“ATM- hạnh phúc” là một website học tập, được xây dựng trên nền tảng miễn phí của Google sites, cũng là sáng kiến của cô giáo trẻ Nguyễn Phương Thảo, trường Tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Trong quá trình dạy học, cô nhận thấy: Học sinh chưa thực sự thích học, kết quả học tập còn hạn chế, phụ huynh chưa hoàn toàn thấu hiểu và vào cuộc cùng giáo viên; bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát đòi hỏi các biện pháp linh hoạt trong dạy học trực tuyến để mang lại hiệu quả học tập tốt hơn. Từ đó, ý tưởng về một cây ATM mang tên “ATM - hạnh phúc” đã dần được cô nhen nhóm và bắt tay vào thực hiện.
"Là một giáo viên tiểu học, không chuyên về công nghệ thông tin nên trong suốt quá trình xây dựng website, tôi đã phải tự tìm tòi, tự nghiên cứu, học hỏi từ nhiều kênh, từ bạn bè, đồng nghiệp. Việc càng khó khăn, tôi càng thúc giục mình phải cố lên. Cuối cùng, tôi đã vượt qua được chính mình - một website học tập đúng nghĩa ra đời, được ứng dụng vào chính lớp học do tôi làm chủ nhiệm” - cô Phương Thảo chia sẻ.
Theo cô Phương Thảo, website học tập “ATM - hạnh phúc” của cô đã cải thiện được nhiều điều mà những ứng dụng dạy học trực tuyến thông thường như Zoom Meeting hay Google Meet không làm được. Bởi, cô đã theo dõi website học tập "ATM - hạnh phúc" và thấy lượng học sinh, phụ huynh truy cập vào đông hơn; học sinh có thể truy cập ngoài giờ học, mọi lúc, mọi nơi; học sinh tìm thấy mình, tìm thấy bạn mình trong mọi hoạt động, thấy trường, thấy lớp,… từ đó thêm yêu trường lớp, kính thầy, mến bạn. Quan trọng là, học sinh thích học hơn; từ đó kết quả học tập của các con được cải thiện rõ rệt. Website cũng tháo gỡ được nhiều vướng mắc của phụ huynh bởi phụ huynh có thể vào đây để dạy con, đồng hành cùng con trong mọi hoạt động.
|
Cô Nguyễn Phương Thảo bên học trò giai đoạn học trực tiếp. Ảnh: Điệp Quyên |
Tiếp tục sáng tạoHiểu rõ tâm lý của học sinh tiểu học còn ham chơi, dễ bị thu hút vào những điều thú vị nên cô Phương Thảo thường xuyên cập nhật, làm mới nội dung website. Cái gì cần thiết với phụ huynh, học sinh và thu hút được học sinh tham gia được cô mở rộng, nhân lên; từ đó, học sinh học mà chơi, chơi mà học với tâm lý thoải mái. Các game học tập được cô thiết kế trên Quizizz, Google form biểu mẫu; video hoạt hình… đều khéo léo lồng ghép những kỹ năng giáo dục cần thiết cho các con lĩnh hội.
Một nội dung mà cô Phương Thảo rất tâm đắc trong website của mình, đó là: “Hộp + …”. Các học sinh tuy nhìn thấy hộp này nhưng không thể truy cập bởi đó là góc cô thiết kế để dành riêng cho phụ huynh.
“Thư mục được tôi gắn liên kết driver và để ở chế độ “bị hạn chế”. Phụ huynh cần đăng nhập bằng tài khoản email thì mới có thể xem nội dung bên trong. Mỗi khi thấy phụ huynh yêu cầu quyền truy cập vào Thư mục này thì tôi biết các anh chị đang có những điều cần hỏi, những tâm tư, nguyện vọng cần được chia sẻ nên tôi chủ động kết nối với họ để cùng thấu hiểu, hợp tác. Vậy là thay vì vào web chỉ thấy công việc, áp lực thì phụ huynh vào đây để được giải tỏa, nhìn thấy con mình và được “gửi gắm”.
Được biết năm học qua, cô Phương Thảo cùng các học sinh lớp 1 do cô chủ nhiệm đã xây dựng kênh YouTube “Canh Dieu Story Telling Channel”. Kênh này là 1 trong số 25 sản phẩm sáng tạo thuộc lĩnh vực phần mềm tin học lọt vào vòng Chung khảo trong Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” trong thanh thiếu niên và nhi đồng TP lần thứ 17 và đã đạt giải Ba TP.
Những giá trị về sáng kiến trong ứng dụng công nghệ để dạy học của cô giáo Tiểu học Nguyễn Phương Thảo càng ý nghĩa hơn khi giá trị của nó không chỉ ở giai đoạn học trực tuyến mà còn phát huy tính bền vững khi học trực tiếp.