Nhiều điểm mới đột phá
Điểm mới của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là bổ sung quy định về giá trị pháp lý của việc chuyển đổi giữa bản giấy và bản điện tử, quy định về chứng thư điện tử, mở rộng đối tượng điều chỉnh. Đây được coi là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử khi việc giao dịch có thể thực hiện hoàn toàn, từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.
Theo Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) Đậu Anh Tuấn, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có tác động đến tất cả hoạt động của đời sống xã hội, giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí hơn so với giao dịch truyền thống, tạo ra những đột phá, mang lại hiệu quả lớn. “Các bên không cần gặp mặt trực tiếp để thực hiện giao dịch. Hơn nữa, thời gian giao dịch rất nhanh chóng bởi các bên có thể thực hiện ở bất cứ đâu với một vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử” - ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Việc Luật này được thông qua giúp hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp luật liên quan đến các hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký
Hiệp hội Internet Việt Nam
(VIA) Vũ Thế Bình
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi cũng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử, đưa ra cơ sở pháp lý để Bộ trưởng các bộ có thể ban hành theo thẩm quyền quy định về hợp đồng điện tử trong ngành, lĩnh vực của mình. Chẳng hạn, Bộ LĐTB&XH có thể ban hành Thông tư về hợp đồng lao động điện tử, Bộ VHTT&DL có thể ban hành Thông tư về hợp đồng du lịch điện tử... Luật mới còn luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia, là công cụ điều phối quan trọng của Bộ TT&TT như nền tảng NDXP, khung kiến trúc. Trước đây, Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động này.
Một chính sách đáng chú ý nữa của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến. Chính sách này đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý Nhà nước sử dụng dữ liệu lớn thay vì quản lý Nhà nước theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã bổ sung quy định về sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài. Quy định này sẽ giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới cho tổ chức, cá nhân; thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới.
Thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số
Đánh giá về những tác động của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi khi có hiệu lực, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, Luật này sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động trên môi trường điện tử của cơ quan Nhà nước, người dân và DN. Các quy trình thực hiện giao dịch điện tử được luật hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử. Bằng cách đó, luật sẽ tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Còn theo thành viên Hội đồng Khoa học của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, TS Cấn Văn Lực, việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo có ý nghĩa rất quan trọng đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung, trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay.
Còn theo Giám đốc Kỹ thuật Công ty An ninh mạng NSC Vũ Ngọc Sơn, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi giúp hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động giao dịch trên không gian mạng, mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Đặc biệt là với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, hợp đồng điện tử nói riêng và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử nói chung.
Tới đây sẽ tiếp tục có các văn bản hành lang liên quan tới Luật mới được cụ thể hóa bởi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Từ đó giúp cho người dân, DN tin tưởng và mạnh dạn hơn với việc thực hiện các giao dịch qua các hình thức điện tử. Nhờ vậy, chi phí vận hành các hoạt động kinh tế cũng được kỳ vọng sẽ giảm xuống, gia tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cho DN, đồng thời mang lại sự tiện lợi, tối ưu chi phí và thời gian cho người dân.