Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi):

Cơ hội để Hà Nội đột phá về chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với số phiếu tán thành rất cao. Đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng giúp Hà Nội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện và sâu rộng.

Cụ thể, Điều 23 đã nêu rõ cách lĩnh vực trọng điểm được phát triển trong lĩnh vực công nghệ của Thủ đô bao gồm: công nghệ số và công nghệ thông tin và truyền thông. Những lĩnh vực này sẽ được Hà Nội ưu tiên nguồn lực nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển cũng như xây dựng Thủ đô thành trung tâm chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.

 Ảnh minh hoạ
 Ảnh minh hoạ

Quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa. Nhận hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ. Thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ công nghệ trọng điểm của Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ được áp dụng các chính sách thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức công nghệ phát triển. Doanh nghiệp, tổ chức công nghệ hoạt động trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách Thành phố để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

Đáng chú ý, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô hoạt động trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ chi phí ươm tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

Đặc biệt, Điều 25 của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cho phép thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp

Đây là tiền đề quan trọng nhằm tạo điều kiện phát triển các tính năng mới, công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp.

Theo Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Lê Đức Sảo, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là sự kiện rất quan trọng đối với Hà Nội. Điều này chứng tỏ quyết tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ trong việc xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước.

Các Điều 23 và Điều 25 của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã mang lại cơ sở pháp lý quan trọng nhằm trợ giúp Thủ đô có được sự phát triển vượt trội, bứt phá nhằm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên toàn quốc.

Đặc biệt, việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô cũng là nội dung rất quan trọng. Quy định này sẽ giúp Hà Nội có bước phát triển đột phá trong lĩnh vực công nghệ với nhiều mô hình kinh doanh mới, phù hợp với sự thay đổi hàng giờ, hàng ngày của nền công nghệ thế giới, ông Lê Đức Sảo nói.