Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội lẫn thách thức để chuyển đổi năng lượng xanh và sạch

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với các nguồn điện bền vững hơn sẽ là bước đi khả thi nhằm giảm đáng kể lượng phát thải, đồng thời mang đến nguồn điện ổn định với chi phí hợp lý…

Chuyển đổi năng lượng xanh và sạch đang mang lại nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ đối với Việt Nam. Đó là nội dung tại tọa đàm “Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Năng lượng cho Việt Nam” tại Hà Nội ngày 22/6 do Báo Công Thương phối hợp với Tập đoàn General Electric (GE) tại Việt Nam tổ chức.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Anh
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Anh

Hướng đến xanh và sạch

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng chia sẻ, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.

Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011 - 2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm. Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Anh
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Anh

Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620MW; Trong đó, thuỷ điện đạt 22.111MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức về việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn diện với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, cùng nhiều giải pháp đồng bộ.

 

Các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ cacbon, có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon. Khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo. Với sự hiện diện lâu dài ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng.

Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ, GE Gas Power châu Á Narendra Asnani

Chuyên gia năng lượng (Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam) Sean M.Lawlor cho biết, Mỹ bắt đầu chuyển đổi từ hơn một thập kỷ trước, đến nay đã cắt giảm điện than còn một nửa, phát triển điện khí đạt 38% tổng hỗn hợp năng lượng đồng thời khuyến khích các giải pháp năng lượng sạch. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này bằng mục tiêu lắp đặt 30GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và  nâng tỷ trọng điện mặt trời lên tới 40% trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2035.

Nhà máy điện gió Tân Thuận 75MW của EVn đã đi vào hoạt động.
Nhà máy điện gió Tân Thuận 75MW của EVn đã đi vào hoạt động.

“Là đối tác lâu dài, chúng tôi đang khuyến khích Chính phủ Việt Nam triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra tại COP26” – vị này nói. Các chính sách bao gồm cơ chế mua bán điện trực tiếp, đấu giá, tiêu chuẩn vay vốn và phê duyệt cho các khoản đầu tư cũng như dự án truyền tải điện. Mỹ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này.

Mong chính sách dài hạn để hút đầu tư

Hiện tại, điện than vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Việt Nam với tỷ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện. Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm điện than xuống còn khoảng 9,5% đồng thời phát triển điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Tập đoàn T&T Nguyễn Thái Hà cho biết, Tập đoàn Năng lượng T&T đã tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng từ rất lâu. Tập đoàn nhìn thấy cơ hội trong đầu tư, cơ hội đó rõ ràng như thế nào phụ thuộc vào các chính sách và hướng dẫn của Nhà nước. Do đó, đã chủ động phối hợp cùng với các đối tác lớn của nước ngoài (Đan Mạch, Pháp) và mời cùng tham gia các dự án tiếp theo của Tập đoàn thông qua huy động vốn.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh cho hay, trước hết, Việt Nam cần có chủ trương chính sách để triển khai chương trình sao cho hiệu quả và tối ưu nhất. Chúng ta đã có Ban chỉ đạo Nhà nước về vấn đề này và trong thời gian ngắn các Bộ ngành sẽ được giao nhiệm vụ và các đơn vị sẽ triển khai sớm. Thứ hai, để chuyển đổi năng lượng thành công thì công nghệ và tài chính là rất quan trọng. Đối với công nghệ hydrogen hay amoniac, thời gian tới phải có giải pháp để đưa giá thành công nghệ xuống.

Theo đó, để thu hút đầu tư, ông Nguyễn Thái Hà chia sẻ, doanh nghiệp cần có sự đảm bảo về chính sách liên tục, dài hạn, một cam kết ổn định. Các chính sách cần cụ thể hơn trong việc huy động vốn của các tổ chức nước ngoài, đơn giản nhất là hợp đồng mua bán điện. T&T Group rất cần các quy hoạch về tổng thể không gian biển, các hướng dẫn chi tiết về lắp đặt, khảo sát, đo gió…

Về tài chính, Việt Nam cần 14 tỷ USD (chưa kể chi phí cho chuyển đổi năng lượng). Nếu có sự hỗ trợ của các tập đoàn về công nghệ như GE Việt Nam và nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế thì mục tiêu dịch chuyển năng lượng của Việt Nam để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 là hoàn toàn có thể đạt được. “Vấn đề chính sách, cơ chế, EVN đang xây dựng các lộ trình, chính sách để làm sao đạt hiệu quả nhất, để chuyển dịch năng lượng thành công với chi phí thấp nhất” – ông Nguyễn Tài Anh nói.

 

Thời gian tới, cần thúc đẩy việc thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện thương mại nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của tải trọng dựa trên thị trường. Đồng thời, tạo thị trường tài chính phái sinh mới cho điện như đấu giá hợp đồng, thị trường kỳ hạn, thị trường tương lai. Đặc biệt, cần cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về vận hành hệ thống điện và thị trường.

Giám đốc Trung tâm điều độ của hệ thống điện quốc gia (EVN) Nguyễn Đức Ninh