Chọn học nghề để có việc làm tốt
Tốt nghiệp trường Cao đẳng (CĐ) nghề Công nghiệp Hà Nội, ngành Cơ điện tử, chương trình đào tạo chất lượng cao được chuyển giao từ Australia, năm 2020, Hoàng Văn Hà có lợi thế sử dụng tiếng Anh tốt và kỹ năng nghề đã được Công ty TNHH Funing Precision Component tuyển dụng vào làm việc. Trường nghề là lựa chọn thứ hai của Hoàng Văn Hà sau khi biết tin không đủ điểm vào trường quân đội, nhưng nó đã giúp cậu phát triển.
Hoàng Văn Hà chia sẻ: "Chúng em là sinh viên khóa đầu tiên chương trình đào tạo chất lượng cao được chuyển giao từ Australia, học các môn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong thời gian học, em đi làm thêm ở một công ty cơ khí có một mảng liên quan đến điện tử để rèn kỹ năng… Hiện tại em đang làm tại bộ phận MPE, với nhiệm vụ quản lý chất lượng máy móc trên dây chuyền lắp ráp sản phẩm, xây dựng lưu trình sản xuất, phân tích cải tiến sản phẩm. 2 năm qua em vừa đi làm, vừa học liên thông tại trường ĐH Giao thông vận tải, ngành Cơ điện tử".
Nguyễn Tuấn Anh đã đăng ký xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh trường CĐ Thương mại - Du lịch Hà Nội, khóa học 2013 - 2016 để mong có một nghề, ngay khi biết tin bị thiếu điểm vào trường ĐH. Trong quá trình học, Tuấn Anh có đi làm thêm thời vụ hè 1 tháng, Tết 1 tháng, còn lại là tham gia Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện giữ chức Đội trưởng.
Với kiến thức và kỹ năng được học, sau khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp, Tuấn Anh đi làm nhân viên tư vấn bán hàng tại Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT, tiếp đó là nhân viên kinh doanh Công ty CP Viễn thông FPT. Trong thời gian này, cậu kịp học lấy tấm bằng của trường ĐH Thương mại và hiện giờ đang làm quản lý nhãn hàng tại Công ty CP Thế giới số Digiworld.
Ngay trong thời gian học ngành Kỹ thuật máy lạnh của trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội, ngoài thời gian đi thực tập theo lịch của trường, Nguyễn Hữu Tiến tranh thủ đi làm thêm bên ngoài để lấy kinh nghiệm thực tế cũng như trang bị cho mình những kỹ năng còn thiếu. Khi tốt nghiệp, Tiến được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Điện lạnh - nơi cậu đã thực tập, với mức lương cơ bản 9 triệu đồng/tháng.
Sau hai năm làm việc tại công ty, tháng 3/2022, Nguyễn Hữu Tiến quyết định mở một cửa hàng điện lạnh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) và mời hai bạn học cùng làm. Chia sẻ về kinh nghiệm học nghề để có việc làm ngay khi tốt nghiệp, Hữu Tiến cho hay: “Khi đi thực tập tại công ty, các bạn cố gắng làm việc, học hỏi và bổ sung những kiến thức còn thiếu”.
Giải pháp nâng chất lượng đào tạo
Để người học nghề ra trường có việc làm ngay, đáp ứng được yêu cầu của DN, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã luôn thực hiện những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho biết, song song với đào tạo nghề, nhà trường trang bị kỹ năng sống, học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để phát triển toàn diện, tự tin khi rời ghế nhà trường.
Nhà trường liên kết với rất nhiều DN để đưa học sinh đến thực tập và các công ty này sẽ đến tuyển dụng các em vào ngày bế giảng và phát bằng tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh có việc làm ngay sau khi ra trường khoảng 85%, số còn lại các em chưa có nhu cầu đi làm ngay mà tiếp tục học liên thông lên CĐ, ĐH.
“Nhà trường tâm niệm phải làm tốt hơn công tác đào tạo để cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên đáp ứng được nhu cầu của DN tuyển dụng; muốn được như vậy, chương trình đào tạo luôn được đổi mới. Năm 2020, toàn trường tập trung xây dựng lại chương trình đào tạo đáp ứng được chuẩn đầu ra của Bộ LĐTB&XH và thực hiện ngay từ năm 2021, khóa 13 với 40% lý thuyết là kiến thức cơ sở và chuyên môn của từng nghề; 60% thực hành trang bị kỹ năng của từng môn học, đáp ứng chuẩn đầu ra của Tổng cục GDNN…” - Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Bách khoa
Hà Nội Dương Đức Hồng cho hay.
Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội Nguyễn Văn Huy thông tin: Cùng với việc thực hiện các chương trình liên kết đặt hàng đào tạo của DN, nhà trường ký thỏa thuận thuận hợp tác với các DN có uy tín sẵn sàng tiếp nhận các nhóm, lớp sinh viên đến tham quan, trải nghiệm, thực tập, học tập, đảm bảo sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế giúp học được nhiều kỹ năng…
Từ những thay đổi trong đào tạo nghề, theo số liệu khảo sát của các cơ sở GDNN, khoảng hơn 80% học sinh, sinh viên tìm được công việc sau khi tốt nghiệp 6 tháng với mức lương khác nhau, tùy theo khả năng và vị trí công việc. Số sinh viên còn lại tham gia các khóa học liên thông hoặc bổ sung một số bằng cấp Tiếng Anh, Tin học,… Khi sinh viên được tham gia thực tế tại DN lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, là cơ hội cho các em có thể sẵn sàng tự tin để mở cửa hàng, xưởng để quản lý, với số lượng chiếm từ 5 - 7%.