Dồn dập đến Việt Nam
Ông Dexi Dong - Chủ tịch HĐQT Công ty Pin điện tử Haosen, một trong nhiều DN Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, cung cấp pin lithium cho động cơ điện của các hãng gia công (OEM cấp 1) về động cơ điện và dự kiến thành lập cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.
Giống như ông Dexi Dong, Giám đốc Công ty Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc) Trương Thiệu Cường, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Đông cho hay, hiện Tomko đang đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam thường là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất Trung Quốc trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra nước ngoài.
Sau khi nguồn vốn đầu tư tăng trên 77% vào năm ngoái, đạt 4,47 tỷ USD với 707 dự án, là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam, đầu tư Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh vào Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) trong 3 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Trung Quốc tăng, xếp thứ 2 trong 67 đối tác có đầu tư tại Việt Nam. Chiếm 27,8% trong số 644 dự án mới được cấp phép trong quý I/2024.
Các dự án lớn nhất của Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam tính đến nay phải kể đến dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại tỉnh Bình Thuận, Dự án chế tạo lốp xe Radian tại Tây Ninh. Cùng với đó các DN Trung Quốc cũng đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp như Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Sự hiện diện của các DN Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng rõ nét và phủ sóng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng… các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may, da giày… và gia tăng mạnh mẽ vào sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bình Dương là địa phương thu hút mạnh đầu tư FDI trên cả nước, trong đó Trung Quốc nhiều nhất với hơn 1.660 dự án, tổng vốn trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, dòng đầu tư Trung Quốc nhộn nhịp phải kể đến các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều DN Trung Quốc đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Tình hình khảo sát và tìm hiểu đầu tư của DN Trung Quốc cho thấy khá nhộn nhịp. Khu vực này có nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp những sản phẩm đầu cuối của DN FDI, tập đoàn lớn thuộc nhiều lĩnh vực công nghiệp, như ô tô, xe máy, điện thoại, điện tử gia dụng và các lĩnh vực công nghiệp chế tạo khác…
Theo ông Li Xingqiun - Vụ trưởng Vụ Ngoại thương Trung Quốc, Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn trong khối ASEAN. Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc, nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Đáng chú ý, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó có EVFTA với hàng hóa sản xuất của Việt Nam vào các thị trường châu Âu với thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp vào những năm tới. Điều này sẽ rất thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc nếu nhanh chân đến Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giá đất công nghiệp tại Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng cạnh tranh hơn nhiều so với giá đất công nghiệp ở Trung Quốc. Lương lao động phổ thông của Trung Quốc bình quân 600 - 650 USD/tháng, cao gần gấp đôi lương lao động tại Việt Nam. Giá cả sinh hoạt ở Việt Nam, giá các loại dịch vụ, chi phí tuân thủ của DN tại Việt Nam cũng thấp hơn Trung Quốc nhiều. Ước các chi phí đầu tư, giá cả khi đầu tư vào Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc từ 20 - 30%.
Việt Nam đang chủ động chuẩn bị điều kiện cần thiết để tăng cường hợp tác đầu tư như đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, điện tử và nhiều lĩnh vực khác. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật nhằm thu hút ngày càng nhiều tập đoàn, công ty quốc tế lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
"Trung Quốc vẫn là công xưởng thế giới, họ có nhiều ngành sản xuất giá rẻ bắt buộc phải sử dụng nhiều lao động, trong khi chi phí lao động lại tăng, chi phí đầu tư tăng, nên muốn tổ chức sản xuất quy mô lớn, muốn bá chủ thế giới hàng giá rẻ, nhà đầu tư Trung Quốc chuyển đầu tư vào Việt Nam là điều dễ hiểu" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá.
Cơ hội lớn
Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings cho rằng, dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam đã không ngừng tăng trong thập kỷ vừa qua. Có bằng chứng cho thấy các DN Trung Quốc đang định vị lại chiến lược của họ, đặc biệt có thể nhìn vào những khoản đầu tư của họ ở Mexico và Việt Nam.
Fitch Ratings cho rằng, làn sóng đầu tư mở rộng địa điểm sản xuất của các DN sản xuất Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai trong bối cảnh rào cản thương mại và rủi ro địa chính trị gia tăng. Các nước ASEAN thu hút vốn đầu tư từ cả các DN sản xuất truyền thống cũng như DN sản xuất thiết bị đi lại sử dụng điện. Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những nước nhận đầu tư nhiều nhất từ DN Trung Quốc.
Cơ hội mà làn sóng FDI Trung Quốc mang lại là rất lớn. Với sự gia tăng mạnh mẽ dòng đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất linh kiện, phụ tùng… sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về linh phụ kiện của các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối tại Việt Nam.
Song song với đó, các DN trong nước cũng sẽ có thêm cơ hội cung ứng hàng hóa dịch vụ. Các ngành xây dựng, logistics, bất động sản… cũng có thêm dư địa phát triển. Các tập đoàn của Trung Quốc đều đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất tại châu Á và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giữ môi trường đầu tư ổn định.
Về phía Việt Nam, sự kiện đoàn DN Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế DN vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra tại TP Quảng Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) vào tháng 6 năm ngoái. Tiếp đến tháng 10 là Hội nghị xúc tiến Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng tại TP Quảng Châu. Đây được xem là một trong những nỗ lực từ phía Việt Nam nhằm hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường hiệu quả xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ còn rất nhiều đoàn DN các địa phương Trung Quốc tới Việt Nam để khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại đầu tư. Đây cũng là cơ hội để các DN ngành hàng của Việt Nam hiểu và tận dụng tối đa thị trường này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 8/4, tại Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực giao thông, đường sắt, năng lượng... Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều tiến triển mới. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Nhận định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn đẩy mạnh cơ chế hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ (G2G), Hiệp hội với Hiệp hội và DN với DN (B2B) để thúc đẩy, khơi thông các dòng chảy thương mại, đầu tư, phát huy thế mạnh của mỗi nước trong bối cảnh mới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN nước ngoài, trong đó có DN Trung Quốc hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường hỗ trợ đào tạo lao động tay nghề cao, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các DN Việt Nam tiếp cận công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất; quan tâm mở rộng, liên kết với các DN Việt Nam đủ điều kiện để hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu; khi đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, cần tiếp tục quan tâm đến đời sống người lao động và công tác an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng