Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội tốt cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngành y, dược phát triển

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cho biết, trường có 3 cơ sở, đã tuyển sinh và đang đào tạo 911 người học ngành, nghề theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, trình độ cao đẳng ngành Dược 859 sinh viên; trình độ trung cấp Dược 52 sinh viên.
 Đoàn giám sát tham quan phòng Giải phẫu của Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội.
Chế độ làm việc được thực hiện theo hợp đồng thỉnh giảng. Mức tiền lương, tiền công cao nhất 10 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất 5,7 triệu đồng/người/tháng. Với các khoản phụ cấp và các chính sách khác (tiền thưởng, tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng sức,...).
Nhà trường đã thực hiện xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn liền với đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho giáo viên, tay nghề cho học sinh - sinh viên, góp phần tạo thêm nguồn thu cho Nhà trường và tạo thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên theo quy định của pháp luật, làm cơ sở để phục vụ thực hành thực tập cho học sinh - sinh viên và các đối tượng khác có nhu cầu, đồng thời là mô hình tham quan, học tập cho người dân trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, là cơ sở để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất dược liệu...
Theo lãnh đạo nhà trường, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn là ưu tiên quan trọng trong tiến trình đào tạo của nhà trường. Đến nay, nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, nhà thuốc, cơ sở dịch vụ y tế trên địa bàn TP Hà Nội và một số cơ sở ở các tỉnh lân cận. Thông tin về nhu cầu tuyển dụng, việc làm luôn được nắm bắt và truyền tải cho sinh viên kịp thời qua nhiều kênh. Qua đó, giúp cho sinh viên nhà trường sau khi tốt nghiệp phần lớn đều có việc làm vả làm đúng ngành nghề.
Tuy nhiên, trường cũng gặp không ít khó khăn về công tác tuyển sinh. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tài chính, kéo theo việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cũng bị hạn chế. Mặt khác, nhiều người có suy nghĩ không tốt về chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập…
Đoàn giám sát tham quan phòng thực hành (hóa dược, dược lý, dược lâm sàn) của Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia, góp ý về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn và điểm nghẽn trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Các đại biểu cho rằng, trường cần xây dựng các nhóm giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh đối với nhà trường nói riêng cũng như đối với các trường cao đẳng ngoài công lập nói chung. Xây dựng phương hướng hỗ trợ về công tác tài chính đối với nhà truờng để từ đó, nhà trường có nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Trường cần có giải pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức chung về loại hình đào tạo ngoài công lập; mong có sự bình đẳng giữa trường công và trường tư. Đặc biệt, trường cần có biện pháp để tăng mức thu nhập cho cán bộ, giảng viên, người lao động…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, thị trường đang thiếu lao động ngành y, dược trình độ trung cấp, cao đẳng. Đây là cơ hội tốt để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo ngành y, dược mở rộng, phát triển. Từ sự nhìn nhận đó, Trưởng đoàn giám sát đề nghị trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội phát huy tinh thần tự chủ để huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo nghề…