Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết cho học sinh?

Kim Thỏa
Chia sẻ Zalo

Kinhtdtothi - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là lúc dấy lên tranh luận về việc có nên giao bài tập Tết cho học sinh hay không. Bởi có không ít trường hợp, trẻ chỉ làm cho qua để chống chế mà hiệu quả không như mong đợi.

Đừng để học sinh ám ảnh “bài tập Tết”

Tại sao cứ đến mỗi dịp Tết, bên cạnh sự háo hức với kỳ nghỉ lễ quan trọng, hào hứng với những hoạt động cùng người thân thì học sinh luôn có một nỗi ám ảnh “bài tập Tết”. Mà bài tập Tết không chỉ gây ra sự ngao ngán cho học sinh mà còn cả sự lo lắng của cha mẹ nữa.
Có lẽ, đó chính là lý do khi Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây đã ra văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc không giao bài tập Tết cho học sinh và nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận. Liệu có những tâm tư nào của cha mẹ, học sinh và phụ huynh về nó.
Thầy cô nên phối hợp với phụ huynh hướng dẫn học sinh củng cố lại kiến thức đã học để các em đón 1 cái Tết thực sự thoải mái tư tưởng
Chia sẻ với PV Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia giáo dục, trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, với giáo viên thì các thầy cô giao bài tập Tết vì lo sợ các em sẽ lãng quên kiến thức mà trễ nải học tập. Ẩn sâu đằng sau chính là nỗi sợ có thể là sợ chính mình bị phán xét về năng lực, sợ học sinh của mình bị so sánh với học sinh lớp khác. Việc giao bài tập là một cách để các thầy cô đối phó lại với nỗi sợ đó.
Với phụ huynh và học sinh thì yêu cầu của thầy cô giống như y lệnh, phải thực hiện nhưng không cân đối đủ thời gian giữa các hoạt động dành cho gia đình họ hàng và hoạt động học tập. Từ đó các em dễ bị xao lãng, thậm chí đối phó để làm cho có, làm cho qua chứ cũng không đạt được mục tiêu củng cố kiến thức như giáo viên mong muốn.
Thầy Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện tại, nếu việc giao bài tập chỉ hướng đến việc chống quên thì chúng ta sẽ chẳng đủ thời gian để “tiêu hóa” hết những kiến thức mới mỗi ngày đang được sản sinh ra. Năng lực ghi nhớ nhanh và nhiều bây giờ không còn được xem là điểm mạnh của học sinh nữa vì nếu muốn ghi nhớ chúng ta có rất nhiều công cụ.
Việc giao các nhiệm vụ ngoài giờ lên lớp bây giờ phải kết nối được những tri thức sách vở học trên lớp với thực tế cuộc sống. Để giúp học sinh tìm hiểu về một chủ đề, việc giáo viên giới thiệu, học sinh tìm hiểu chủ đề và khám phá các giải pháp, thảo luận lên kế hoạch trên lớp... Bài tập về nhà sẽ là các giai đoạn thiết kế, chế tạo, thực hiện kế hoạch. Sau đó các em sẽ quay lại lớp để đánh giá trình bày về sản phẩm.
Nếu thực hiện dạy học được theo chu trình như vậy, trước Tết giáo viên sẽ giới thiệu về các chủ đề bài học, yêu cầu học sinh khám phá và lên kế hoạch để thực hiện các dự án có thể tích hợp các hoạt động trong thời gian Tết.
Tết nên cho trẻ làm những gì?
Đồng quan điểm trên, cô giáo Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ tết là đúng quy định. Tuy nhiên, thầy cô nên cho các em về nhà ôn tập lại các dạng toán đã học và mỗi ngày viết một bài chính tả, trả lời câu hỏi liên quan đến bài học để đỡ quên kiến thức.
Bài tập về nhà là các nhiệm vụ mà các em có thể ghi lại trong những hoạt động thông thường trong những ngày Tết. Sau Tết các em sẽ trở lại trường và trình bày những gì mình làm được.
“Với tuổi tiểu học, những bài tập về nhà có thể là giúp bố mẹ ông bà một việc để đón tết; tự tay làm một món ăn chuẩn bị cho ngày Tết, khai bút viết về những kế hoạch và dự định trong năm mới; dành tiền lì xì để giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn mà em biết...
Những bài tập thế này vừa tạo sự hứng khởi của học sinh, vừa tạo cho các em cơ hội để học từ cuộc sống, trải nghiệm những điều ý nghĩa giá trị của cuộc sống và ăn một cái Tết thật vui và đầm ấm”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ thêm.