Có nên tiêm trộn 2 loại vaccine Covid-19?

Hoàng Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hiện có ít dữ liệu về tác động của phương pháp tiêm trộn vaccine tới sức khỏe người được tiêm. Còn tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vaccine phòng Covid-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng. Vì vậy, Bộ không khuyến khích việc tiêm trộn các loại vaccine với nhau.

Tiêm trộn phải theo dõi sức khỏe chặt chẽ
Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung rất hạn chế, việc tiếp cận để có đủ vaccine tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho người dân đã tiêm mũi 1, của cùng một loại vaccine là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vaccine của AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer. Tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vaccine khác loại như trên cho cùng một người dân vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi tiêm trộn hai loại này, số phản ứng thông thường sau tiêm có sự gia tăng.
 Hà Nội sẽ triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng cho người dân. Ảnh: Thanh Hải
Tại Việt Nam, đến nay, đã có hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm cho người dân, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vaccine của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm..., phục vụ chiến dịch tiêm chủng quốc gia, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ hơn 70% dân số được tiêm. Bộ Y tế hướng dẫn, mỗi người tiêm đủ liều của cùng một loại vaccine phòng Covid-19. Chỉ trong trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8 - 12 tuần, nếu người được tiêm chủng đồng ý. Tuy nhiên, những trường hợp tiêm chủng này cần phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Còn đối với 2 triệu liều vaccine Spikevax do Mỹ viện trợ cho Việt Nam qua chương trình Covax Facility vừa về ngày 14/7 đã được phân bổ cho các địa phương. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, bảo đảm mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vaccine này mà không tiêm "trộn" với vaccine khác.

Hầu hết là phản ứng thông thường

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức buổi tập huấn tiêm chủng các loại vaccine Covid-19 được Việt Nam tiếp cận thời gian qua gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Vero Cell.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, vấn đề an toàn tiêm chủng luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là sau khi Việt Nam ghi nhận một số trường hợp gặp phản ứng nghiêm trọng. "Chúng tôi đã họp hội đồng chuyên môn phân tích 9 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam để xác định rõ nguyên nhân, từ đó rút ra kinh nghiệm cho thời gian tới. Chúng ta hướng đến mỗi mũi tiêm đều phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi triển khai tiêm vaccine trong cộng đồng, tỷ lệ tai biến là khó tránh khỏi" ông Khuê nhấn mạnh.

Thực tế thời gian qua, sau tiêm vaccine của Astra Zeneca, nhiều người đã gặp các phản ứng phổ biến như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh. Hầu hết đều là phản ứng thông thường như khuyến cáo. Các trường hợp nhập viện theo dõi, điều trị gồm sốt cao, nhịp nhanh, kẹt huyết áp, phản ứng phản vệ.

Theo các chuyên gia y tế, tùy theo cơ địa của từng cá thể mà vaccine có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Do đó, việc theo dõi phản ứng phụ sau tiêm phòng Covid-19 là việc làm hết sức quan trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần