Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên trẻ hóa độ tuổi cấp bằng lái xe?

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tâm lý, nhận thức của phần lớn trẻ chưa thành niên còn nhiều hạn chế, lại chưa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu gây ra tai nạn giao thông nên dễ dẫn tới sự coi thường quy định của pháp luật cũng như quy tắc an toàn khi tham gia giao thông.

Chưa đủ yếu tố nhận thức, tâm lý

Vừa qua, tại hội thảo “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” do Bộ Công an tổ chức, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề xuất cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu để trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1. Đây là loại giấy phép cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi lanh 50 - 175cm3. Theo quy định hiện nay, chỉ có người từ 18 tuổi trở lên mới được cấp loại giấy phép này.

Học sinh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều khiển xe máy dù chưa đủ tuổi có bằng lái xe. Ảnh: Công Hùng
Học sinh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều khiển xe máy dù chưa đủ tuổi có bằng lái xe. Ảnh: Công Hùng

Ông Ngọ Duy Hiểu nhận định, hiện nay, việc học sinh THPT đi xe máy nói chung và mô tô nói riêng đến trường là một nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các TP lớn. Khi bước vào cấp THPT, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khóa tại trường và đi học thêm khá nhiều, trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội...

Tuy nhiên, có không ít phụ huynh chia sẻ rằng việc cho con, em sở hữu phương tiện có dung tích trên 50cc phục vụ nhu cầu đi lại là chưa cần thiết. Theo đó, song song với phương tiện công cộng, học sinh vẫn có thể tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân như xe đạp điện, xe đạp truyền thống... vì chỉ di chuyển những quãng đường ngắn, tốc độ di chuyển trung bình.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Đào Liên - Giám đốc Công ty Luật Tiền Phong, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, về sức khỏe (chiều cao, cân nặng) thì thế hệ trẻ ngày nay phát triển hơn nhờ cuộc sống sung túc, đủ đầy. Tuy vậy, về mặt tâm lý, nhận thức, cần thời gian và thực tế trải nghiệm cuộc sống mới có được "độ chín".

“Theo tôi, việc trẻ hóa độ tuổi cấp GPLX là chưa hợp lý, bởi trẻ vị thành niên chưa đủ trưởng thành về nhận thức để có thể làm chủ được mọi tình huống phát sinh trên đường. Trong khi đó, thực trang giao thông hiện tại còn khá phức tạp" - luật sư Đào Liên nêu quan điểm.

Tương tự, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật tại Hà Nội cũng cho rằng, người chưa thành niên chưa phát triển hoàn toàn về nhận thức nên chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định. Do đó, có thể thấy hệ thống pháp luật chúng ta ở từng ngành luật như dân sự, hình sự, hành chính đều có các quy định riêng cho người chưa thành niên.

Tăng nguy cơ về mất an toàn giao thông

Vừa qua, Công an TP Hà Nội triển khai mô hình Tổ công tác 141 theo phương thức hóa trang, sử dụng phương tiện cá nhân chủ động tuần tra trên đường. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, chặn giữ hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm về trật tự ATGT, trong đó rất nhiều trường hợp là người chưa thành niên, điều khiển xe không có giấy phép. Thực trạng này cho thấy, ý thức quản lý phương tiện của người lớn cũng như việc chấp hành quy định luật giao thông của trẻ ở độ tuổi 16 - 18 còn hạn chế nhất định.

Mặt khác, các chuyên gia luật cho rằng, việc trẻ hóa độ tuổi được cấp GPLX sẽ vướng về trách nhiệm pháp lý. Theo đó, trẻ chưa thành niên là trách nhiệm chưa trọn vẹn, bởi trách nhiệm này được thực hiện qua người khác (người đại diện hoặc người giám hộ). Trẻ chưa thành niên là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên việc tham gia các giao dịch dân sự (để sở hữu phương tiện, hoặc mượn, thuê xe) theo Bộ luật Dân sự hiện nay là chưa được phép. Nếu trẻ được cấp GPLX mà chưa phải chịu trách nhiệm trực tiếp thì dễ dẫn tới sự coi thường quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

“Đặc điểm tâm sinh lý của các cháu trong giai đoạn này chưa phát triển ổn dịnh dẫn đến dễ bị lôi kéo, kích động mà tham gia đua xe, lạng lách. Vô tình những hành động này có thể gây tai nạn giao thông, dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho gia đình, xã hội. Luật pháp nghiêm cấm những người đã thành niên uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vậy cũng không nên để trẻ chưa thành niên điều khiển xe có dung tích xi lanh lớn” - luật sư Diệp Năng Bình nói.