Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nhất thiết phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn đang đặt ra các kịch bản phù hợp nhất để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Việc thi hay không thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn đang chờ diễn biến thời gian tới. Trước mắt, phương án tổ chức kỳ thi nếu các em kịp trở lại trường trước 15/6 vẫn được ưu tiên.

 Học sinh lớp 12 học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Nguyễn Tài

Chưa quyết phương án nào
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6 thì sẽ đủ thời gian chuẩn bị để thực hiện kỳ thi. Trong trường hợp này, việc tuyển sinh đại học (ĐH) vẫn được thực hiện như các năm trước đây; thời gian bắt đầu năm học 2020 - 2021 được thực hiện như hằng năm, khai giảng ngày 5/9/2020.
Còn trong trường hợp diễn biến dịch bệnh quá phức tạp, học sinh không thể quay lại trường trước 15/6/2020 thì Bộ sẽ tính đến các phương án khác ngoài thi, có thể là hình thức xét tốt nghiệp. Việc tuyển sinh ĐH sẽ do các trường chủ động theo nhiều hình thức: Căn cứ học bạ, tổ chức kỳ thi riêng nếu cần…
Cục Quản lý Chất lượng đã xây dựng một số “kịch bản” khác nhau về kỳ thi THPT để không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh. Còn hiện nay, trong khi Bộ chưa công bố phương án nào khác, các trường và học sinh căn cứ vào đề tham khảo mà Bộ vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi.
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh
Thực tế là hiện nay, các trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh năm 2020. Đa phần vẫn căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, nhưng tăng trọng số của việc xét tuyển dựa vào học bạ. Thay vì 30% chỉ tiêu tuyển sinh như các năm trước thì lên 50% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào học bạ. ĐH Bách Khoa Hà Nội mới đây còn thông báo sẽ tổ chức một kỳ tuyển sinh riêng, độc lập để có thêm phương thức xét tuyển ĐH cho mùa tuyển sinh mới. Trường vẫn căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia (nếu tổ chức) và áp dụng cả phương án thi riêng.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay vì các lý do. Vấn đề tuyển sinh ĐH đã giao cho các trường tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH, học sinh phải nghỉ học kéo dài và phương thức ôn học trực tuyến không đồng đều giữa các vùng, miền, kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp gần như không nhiều ý nghĩa khi mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm của cả nước vào khoảng 99%.
Chủ động ôn chuẩn bị cho kỳ thi
Nếu chỉ căn cứ xét tuyển ĐH dựa vào học bạ, bản thân các trường ĐH có cảm thấy yên tâm về chất lượng hay không? GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Các trường THPT ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng khác nhau nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Nếu xét theo học bạ sẽ thiếu chính xác, công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như Y, Dược, Kinh tế, Luật, CNTT…
Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) khi nói về các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 lại cho rằng, nên giữ kỳ thi THPT quốc gia khi có thể, vì: Một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, ở ta, còn bệnh thành tích, để địa phương tự quyết định dễ phát sinh tiêu cực.
Mặc dù các kịch bản của kỳ thi vẫn chưa chốt, nhưng học sinh lớp 12 vẫn đang trong tâm thế học tập và ôn luyện để sẵn sàng tâm thế trước kỳ thi THPT quốc gia.