Có nơi còn cản trở tiếp cận giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việt Nam mình nói chung đã cố gắng tạo mọi điều kiện để các em được tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, ở nơi này nơi kia, vẫn có tình trạng cản trở tiếp cận giáo dục vẫn còn nhiều”. PGS Trần Xuân Nhĩ – Chủ tịch Hội Giáo dục cho mọi người Việt Nam cho biết bên lề buổi tọa đàm “Quyền giáo dục giai đoạn 2000 – 2030 - Hãy bỏ phiếu cho giáo dục”, diễn ra hôm nay 28/5.

Kinhtedothi - “Việt Nam mình nói chung đã cố gắng tạo mọi điều kiện để các em được tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, ở nơi này nơi kia, vẫn có tình trạng cản trở tiếp cận giáo dục vẫn còn nhiều”. PGS Trần Xuân Nhĩ – Chủ tịch Hội Giáo dục cho mọi người Việt Nam cho biết bên lề buổi tọa đàm “Quyền giáo dục giai đoạn 2000 – 2030 - Hãy bỏ phiếu cho giáo dục”, diễn ra hôm nay 28/5. 

 
Có nơi còn cản trở tiếp cận giáo dục - Ảnh 1
 
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, giai đoạn 2003-2015, Việt Nam đã đạt được những kết quả về giáo dục cho mọi người (GDCMN) Việt Nam. Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp trong cả nước mở rộng cơ hội học tập cho mọi người; bước đầu triển khai xây dựng xã hội học tập có hiệu qủa. Công tác xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, từng bước phát triển, cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học; phổ cập giáo dục THCS; đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học; phổ cập giáo dục THCS ở mức độ cao hơn. 

Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục được cải thiện hơn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, con em các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng bị thiệt thòi ngày càng được quan tâm.

Báo cáo đánh giá quốc gia về GDCMN Việt Nam năm 2015, tiếp cận của các nhóm dân tộc thiểu số trong chăm sóc và giáo dục mầm non đã tăng lên, trẻ em dân tộc thiểu số tham gia giáo dục tiền  tiểu học chiếm 16,32% tổng số trẻ em trong độ tuổi đến trường; 99% quận/huyện báo cáo đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (6 tuổi). 

Tuy vậy, việc thực hiện các mục tiêu của GDCMN ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức, khó khăn. Đến nay, vẫn còn có những chênh lệch giữa các nhóm giàu nghèo và giữa các vùng miền khác nhau. Học sinh dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt và tỷ lệ nhập học THCS vẫn còn rất khác biệt giữa các vùng miền, với mức thu nhập thấp hơn ở các khu vực khó tiếp cận. Có khoảng 700.000 trẻ khuyết tật vẫn chưa đăng ký đi học.

Trong khi ấy, đầu tư nguồn lực cho giáo dục có hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục trước sự đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Trước những cản trở tiếp cận giáo dục, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng phải hết sức ủng hộ cho giáo dục bằng suy nghĩ của mình, Nhà nước có những chủ trương chính sách cụ thể và sau đó bằng những hành động cụ thể. Tức là từng tổ chức, cá nhân làm thế nào để có sự đóng góp nguồn lực tạo điều kiện cho giáo dục được phát triển. Ví dụ khi mỗi người uống một lon bia thì bỏ ra chút tiền cho giáo dục, khi ăn một bữa ăn thì có một phần tiền cho giáo dục. Làm như thế có nghĩa là Bỏ phiếu cho giáo dục. Hay, bỏ phiếu cho giáo dục là người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Cứ một người dạy cho một người thì chúng ta thực hiện được mục tiêu vì giáo dục cho mọi người.