Tuy nhiên, khi quý III sắp đi qua, những cái tên lớn thuộc diện CPH trong năm 2013 như Vietnam Airlines, Vinatex, Viglacera… nhiều khả năng lỗi hẹn với CPH.
Liên tục lỗi hẹn
Vietnam Airlines là đơn vị được kỳ vọng sẽ ra hàng sớm nhất, song ở thời điểm này, DN vẫn đang tập trung thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Theo đó, Vietnam Airlines phải thoái vốn khỏi Techcombank 32,2 triệu cổ phiếu; Tại Bảo Minh (24 triệu cổ phiếu và 0,82 triệu trái phiếu chuyển đổi), Công ty CP Giao nhận kho vận hàng không (352.000 cổ phiếu) và France Telecom (126.000 cổ phiếu FTE).
Với kế hoạch CPH công ty mẹ, hiện mới đang ở giai đoạn đầu triển khai Hợp đồng tư vấn tài chính được ký cuối tháng 5/2013 với Morgan Staley. Dù đã hoàn thành kiểm kê, đối chiếu công nợ và phân loại tài sản tại thời điểm 31/3/2013 và xây dựng xong phương án sản xuất, kinh doanh trong 5 năm sau CPH, nhưng số liệu và đề án còn chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, việc xác định giá trị DN để có thể ra mức định giá, nếu sớm nhất cũng phải cuối năm 2013 mới xong. Do đó, việc bán cổ phần ra công chúng chắc chắn sẽ phải lùi sang năm 2014.
Tại Viglacera, theo kế hoạch đến tháng 9/2013 sẽ thực hiện IPO (bán đấu giá cổ phần lần đầu) nhưng đến nay các số liệu về định giá DN chưa được phê duyệt. Thế nhưng, trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, DN này không nhắc đến việc triển khai CPH. Điều này đồng nghĩa năm 2013 trên thị trường chưa thể có cổ phiếu của Viglacera.
Ngay với Vinatex dù đã rời thời điểm IPO (từ 1/7/2013 đến tháng 9/2013) và dự kiến sẽ IPO cổ phiếu trong năm 2013, nhưng đến thời điểm này các cơ quan có liên quan cũng mới đang xem xét hồ sơ được Tập đoàn trình duyệt.
Còn nhiều việc phải làm
Không chỉ các đại gia chậm trễ CPH, ngay các DNNN quy mô nhỏ cũng đang rất ì ạch. Số liệu từ Ban Chỉ đạo và mới đổi mới phát triển DN T.Ư cho thấy, từ nay đến hết năm 2015 phải CPH 285 DNNN, trong khi từ năm 2011 đến nay mới CPH được trên 80 DN. Hết tháng 7/2013, chỉ có 10 DN được CPH. Trong khi đó, thời gian qua có rất nhiều DN xin lùi thời điểm CPH sau năm 2015.
Có nhiều nguyên nhân được nêu ra để giải thích cho việc chậm trễ CPH. Tuy nhiên, ngay hệ thống văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc thực hiện vẫn thiếu và yếu. Nghị định 59/2011/NĐ-CP về CPH DNNN mới được ban hành nhưng không khắc phục được những hạn chế của Nghị định 109/2007/NĐ-CP trước đó. Đơn cử như việc định giá đất. Bộ Tài chính đang nghiên cứu kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất theo hướng, tất cả diện tích đất mà DN đang quản lý, sử dụng vào mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh buộc phải chuyển sang cơ chế ký hợp đồng thuê đất có thời hạn.
Nhưng nếu làm như vậy giá trị DN sẽ bị đội lên rất nhiều mà thực tế vốn không tương ứng và sau CPH, DN sẽ phải xử lý tình trạng vốn ảo. Đây là điều mà hiện nay không ít DN đang đau đầu. Chính vì những bất cập này nên mặc dù mới ban hành nhưng hiện Bộ Tài chính lại đang chủ trương việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Trong văn bản kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bán tiếp phần vốn Nhà nước ở 2 DN đã CPH thuộc Bộ Công Thương tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng, CPH là chủ trương và giải pháp cơ bản, quan trọng nhất trong sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Với những gì đang diễn ra trên thực tế, có lẽ mục tiêu CPH khối DNNN sẽ không thể hoàn thành đúng thời gian đã đề ra.
![]() Tiến độ cổ phần hóa khối doanh nghiệp Nhà nước rất khó theo đúng thời gian. Trong ảnh: Công ty Dệt 8 - 3. Ảnh: Linh Anh
|