Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ sở hạ tầng - những tiêu chí khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng những năm qua, nhưng trong số các tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM của các địa phương, phần lớn đều là cơ sở vật chất văn hóa, trường học, giao thông, thủy lợi…

Đây là những tiêu chí cần kinh phí lớn nên các địa phương đang loay hoay trong quá trình thực hiện.

Nhiều trường, trạm chưa đạt chuẩn

Là xã điểm xây dựng NTM của huyện Mỹ Đức, song đến nay, xã Phùng Xá chưa được công nhận là xã NTM giai đoạn 2011 - 2015 như hầu hết các xã điểm của các huyện khác trên địa bàn TP. Hiện xã còn 3 tiêu chí cơ bản đạt với số điểm không cao. Một trong những vướng mắc hiện nay của xã là tiêu chí cơ sở vật chất trường học. Ông Nguyễn Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết, xã mới có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Trường THCS đã cơ bản hoàn thành, song khu nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ, tường bao với kinh phí gần 7 tỷ đồng chưa có nguồn vốn thực hiện. Tương tự, trường tiểu học xã được thiết kế theo đề án là 14,9 tỷ đồng, đã thi công giai đoạn 1, nhưng đến nay huyện mới bố trí được hơn 5 tỷ đồng và giai đoạn 2 chưa triển khai. "Với tiến độ như hiện nay thì rất khó hoàn thành tiêu chí trường chuẩn trong năm nay" - ông Kiên lo lắng.
Nơi hội họp tạm của thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ.        Ảnh: Quang Thiện
Nơi hội họp tạm của thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Tại xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, trường THCS vẫn còn nhiều phòng học cấp 4. Theo thống kê của UBND huyện, hơn 3 năm qua, trên địa bàn có 17 dự án xây dựng trường học được triển khai, trong đó có một số công trình đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện chỉ có 3/28 xã đạt tiêu chí về trường học, 9 xã cơ bản đạt, còn lại 16 xã chưa đạt chuẩn.

Tại huyện Thanh Oai, đến nay toàn huyện mới có 2/21 xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất trường học (đạt 9,5%), 7 xã cơ bản đạt. Theo thống kê, toàn huyện có 69 trường ở các cấp học nhưng mới có 26 trường đạt chuẩn về giáo dục, còn lại 20 trường mầm non, 12 trường tiểu học và 11 trường THCS chưa đạt chuẩn. Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, thời điểm này có 8/88 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ khoảng hơn 9%). Ông Trần Công Thành - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên cho biết, số trường đạt chuẩn thấp là do những năm qua huyện tập trung giải quyết xóa lớp học nhờ, học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp. Mặt khác, nguồn thu ngân sách của huyện thấp nên việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn còn hạn chế. Ông Thành cho biết thêm, năm 2014, huyện phấn đấu đạt mục tiêu có thêm 5 trường chuẩn quốc gia nhưng cũng phải "dốc ống".

Không chỉ về trường học, nhiều địa phương cũng đang gặp vướng mắc khi hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất trạm y tế. Đại diện xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên cho biết, trạm y tế xã nằm chung với trường mầm non khiến cho việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Tuy xã đã quy hoạch mặt bằng 1.800m2 phục vụ cho xây dựng trạm y tế mới nhưng qua nhiều lần khảo sát, lập dự án, đến nay vẫn chưa được triển khai. Năm 2014 huyện Phú Xuyên phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có xã Văn Nhân. Tuy nhiên, với tình hình cơ sở vật chất y tế như hiện nay, nhiều khả năng xã Văn Nhân chưa thể cán đích trong 3 tháng cuối năm nay.

Chật vật làm đường  giao thông, nhà văn hóa

Dù đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí NTM với nhiều chuyển biến nhất định, song để về đích xây dựng NTM trong năm 2014, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó khó khăn nhất là các tiêu chí giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa. Bởi đây là các tiêu chí cần lượng kinh phí lớn, theo tính toán của xã cần tới gần 100 tỷ đồng, trong khi nguồn kinh phí các cấp đều khó khăn. "Xã đã huy động tốt Nhân dân đóng góp kinh phí cũng như ngày công. Tuy nhiên, kinh phí TP hỗ trợ vật liệu chỉ ở mức tạm ứng nên rất khó khăn cho địa phương triển khai thực hiện" - ông Phương Văn Liểu - Chủ tịch UBND xã Tản Hồng chia sẻ.

Trong những năm qua, giao thông, thủy lợi là những lĩnh vực được huyện Thanh Oai tập trung triển khai các dự án lồng ghép với 15 công trình giao thông và 15 công trình thủy lợi. Tuy nhiên, tới nay, toàn huyện mới có 3/21 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông, chiếm tỷ lệ 14,3%. Như vậy, huyện còn 18 xã chưa đạt tiêu chí này, chiếm 85,7%. Không chỉ vậy, theo lãnh đạo huyện, một số xã rất khó khăn trong việc xây dựng các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, sân vận động... đạt chuẩn về diện tích do chưa đáp ứng được mặt bằng hoặc kinh phí đầu tư. Một số xã, thôn có các công trình phúc lợi mới xây dựng cách đây ít năm vẫn có giá trị sử dụng, nhưng chưa đáp ứng với tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí NTM, nếu phá dỡ để xây mới sẽ gây lãng phí.

Cùng với giao thông, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cũng là bài toán khó với hầu hết các địa phương. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện Mê Linh đã tập trung nâng cấp, cải tạo, xây mới được 19 nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn, song mới chỉ có 3/16 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Toàn huyện còn 5/16 xã chưa có nhà văn hóa xã, 40/67 thôn chưa có nhà văn hóa, khu thể thao thôn. Ông Đoàn Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL  khá lớn, khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa. Ước tính, tổng số kinh phí để xây dựng đủ nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn trên toàn huyện khoảng 100 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà văn hóa hạn chế.

 Thêm vào đó, ở một số xã, đặc biệt là những xã nằm trong quy hoạch đô thị không tổ chức dồn ghép ruộng đất nên không có diện tích đất công ích dôi dư để xây dựng nhà văn hóa. Ngoài ra, do tầm nhìn trong quy hoạch nhà văn hóa những năm trước đây ở các xã chưa toàn diện, đầy đủ nên nhiều nhà văn hóa thôn được quy hoạch xa trung tâm, không thuận tiện cho việc tập trung sinh hoạt của người dân, diện tích được quy hoạch, xây dựng nhỏ, không đáp ứng được tiêu chí xây dựng NTM và quy định của Bộ VHTT&DL.

Như vậy, thực hiện định hướng của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, các địa phương đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí cần ít kinh phí như văn hóa, môi trường, an ninh trật tự... Tuy nhiên, những khó khăn về các tiêu chí cần nhiều kinh phí, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học... đang trở thành "chướng ngại vật" trong tiến trình cán đích NTM của các địa phương.