Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế Lê Văn Khảm cho biết, trước đây, Quỹ KCB BHYT giao cho trạm y tế thấp (không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú) không đủ để chi cho KCB BHYT, dẫn đến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm. Từ ngày 1/12 tới đây, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, sẽ không giao quỹ KCB BHYT cho cơ sở có người đăng ký KCB ban đầu dựa trên số thu BHYT của những người có thẻ đăng ký tại đây. Việc này sẽ bảo đảm tính chia sẻ của quỹ BHYT, phù hợp với việc KCB thông tuyến, đồng thời không gây áp lực cho cơ sở KCB có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Các TYT xã cũng không bị rào cản về việc bị khống chế tỷ lệ quỹ được sử dụng tại TYT là dưới 20% quỹ KCB BHYT, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và tăng cường y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ sẽ đồng bộ được nhiều chính sách khác nhau của Bộ Y tế, trong đó sẽ đồng bộ với Thông tư 39 của Bộ Y tế về gói dịch vụ y tế cơ bản tuyến xã.Ông Lê Văn Khảm nhấn mạnh, nội dung này là một trong những thay đổi rất lớn của Nghị định 146. Khi bỏ khống chế tỷ lệ sử dụng quỹ tại tuyến xã, các cơ sở y tế tại tuyến xã có thể thực hiện đầy đủ chức trách, chuyên môn của mình và cung cấp dịch vụ cho người có thẻ BHYT theo đúng phạm vi quyền lợi cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp. “Nếu khống chế tỷ lệ KCB BHYT tại TYT dưới 20%, có nghĩa là trong thực tế các nhân viên y tế xã có đủ năng lực chuyên môn khám bệnh, làm xét nghiệm nhưng không được thực hiện nên làm cho niềm tin của người dân với TYT xã không cao. Quy định mới này sẽ tiết kiệm chi phí gián tiếp xã hội cho việc người dân phải lên tuyến trên” - ông Khảm cho hay.