Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơm nhà...

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày ngành chức năng siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cũng như nhiều “bợm” rượu khác, ông Thành đâm ra siêng xơi cơm nhà.

Chẳng bù cho thời gian trước, mỗi tuần người đàn ông trung niên này cũng chỉ ngồi cùng mâm với vợ con được vài bữa.

Nhớ lại chuyện cũ bà Hòa (vợ ông Thành) nói: "Vốn không có việc làm ổn định nên mấy năm trước 2 vợ chồng bàn nhau để tôi tâp trung chăm sóc nuôi dạy con cái, ông ấy chuyên tâm làm việc nuôi cả gia đình. Vẫn biết rằng đàn ông ra ngoài xã hội có nhiều mối quan hệ, giao lưu với anh em bạn bè, đối tác làm ăn… nhưng ông ấy nhiều lúc quá đà, ăn nhậu liên miên, tổn hại sức khỏe".

Bà Hòa kể tiếp: "Lắm hôm dù đã hứa về ăn cơm cùng gia đình, tôi đi chợ mua đồ nấu mấy món ngon mà ông ấy khoái khẩu. Khi “mồi bén” đã dọn lên mâm, mấy chén rượu “nhiều tác dụng” cũng chỉ chờ người uống, đùng một cái ông ấy lại gọi điện nói phải tiếp đối tác, thế là mấy mẹ con lại chưng hửng ăn cơm với nhau. Lâu dần thành ra bực. Nhiều lúc gia đình lục đục cũng chỉ vì “người đi không bực bằng người chực nồi cơm”.

Ăn nhậu nhiều tưởng khỏe, hóa ra chỉ được mỗi cái “bụng to mà… lò xo lại tụt”. Tướng trông có vẻ bệ vệ, nhưng do lười luyện tập nên sức khỏe rất kém… "Mà sức khỏe kém còn có thể khắc phục được; nhưng cứ để ông ấy suốt ngày quán xá, không biết có còn yêu thương vợ con, hay rượu no lại sinh ra dửng mỡ", bà Hoa bỏ lửng câu nói!

Đáng sợ hơn nữa là có những hôm ông lái xe về trong tình trạng mất hết năng lực hành vi. Ngày thường, con ngõ nhà ông vốn rất rộng, dễ dàng đưa xe vào ga ra. Thế mà lắm hôm phải mất cả chục phút, ông ấy mới ủn được cái xe vào chuồng. Sáng ra khi tỉnh dậy chả nhớ gì, miệng thì luôn câu “mình phục mình thật”. Những hôm như thế, thật là may khi không va chạm với ai, bằng không thì oan gia cho kẻ khác, còn mình thì chỉ còn nước là tù mọt gông…

Từ ngày ngành chức năng kiểm tra gắt gao vấn đề nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, hàng xóm thấy mật độ về khuya của ông Thành giảm hẳn. Dù mỗi ngày chỉ có mỗi một bữa cơm tối để vợ chồng con cái đoàn tụ, nhưng nếu như trước kia việc này chỉ bữa đực bữa cái thì đến giai đoạn này, bữa cơm tối tại nhà của ông Thành đều đặn.

Bà Hòa không phải chịu cảnh một mình một mâm, canh khuya chờ chồng. Được thể, bà trổ tài nấu nướng, cứ vài ngày lại chế món mới, vừa để phục vụ cả nhà, nhưng chủ yếu là “cột chân” đức lang quân. Ngoài cơm ngon canh ngọt, mồi bén, đến bữa kè kè trên bàn ăn là chai rượu bổ được bà Hoa “thửa riêng” phục vụ chồng.

Ông Thành vốn dĩ là người sống có trách nhiệm với gia đình, chung thủy và yêu thương vợ con. Nhưng trong một thời gian dài (dù chưa đến mức bê tha), lắm lúc người đàn ông này cũng “đắm chìm” với rượu bia và bạn nhậu. Từ chỗ là một người cường tráng, do rượu bia lâu ngày (nhiều lúc ông tự thú nhận), là cơ thể mình đã “nhão” ra. Sức khỏe bắt đầu sa sút, đặc biệt là căn bệnh viêm đại tràng bắt đầu hành hạ ông.

Sức khỏe bắt đầu có dấu hiệu rệu rã, cộng với sự “nhiêu khê” nếu đi nhậu mà không được sử dụng phương tiện cá nhân, tần suất nhậu của ông Thành giảm đi trông thấy. Mỗi ngày tới bữa cơm chiều, người ta đều thấy gia đình bà Hòa quay quần bên mâm cơm. Tới bữa mấy đứa trẻ chúng ăn nhanh lắm, còn ông luôn có vợ ngồi hầu và hôm nào cũng ngất ngư vài “cữ” rượu, sau đó đệm vào bụng lưng cơm, coi như ấm dạ...

Sau mấy tháng hàng xóm thấy da dẻ ông Thành hồng hào trở lại, bữa cơm nào gia đình cũng đầy ắp tiếng cười. Về phía bà Hòa thì khỏi phải nói, người đàn bà nội trợ này không còn phải canh chừng mâm cơm mỗi tối.

Ở tuổi 50, người ta thấy bà Hòa trẻ ra, đôi má lúc nào cũng hồng hồng… Khi vui chuyện, có người hỏi đến bí quyết nào khiến trẻ ra, người đàn bà ngũ tuần này tế nhị mà rằng, đấy là nhờ ngành chức năng tăng cường xử lý nồng độ cồn, chứ chả có bí quyết nào cả!

Nhìn gia đình ông Thành hạnh phúc, chả hiểu có ghen tị hay không nhưng mấy bà hàng xóm đều đem chuyện gia đình bà Hòa ra để… nêu gương khi thấy chồng mình sa vào nhậu nhẹt!