Con dâu, con rể có được chia di sản thừa kế?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi

Xin hỏi luật sư, con dâu, con rể liệu có được hưởng di sản thừa kế không? 

Trả lời

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) thì di sản người chết để lại được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Thừa kế theo di chúc 

Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. 

Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống theo ý nguyện của người để lại di sản. Do đó, người để lại di sản có thể chỉ định bất kỳ ai là người được hưởng di sản của mình trong trường hợp di chúc hợp pháp. Việc con dâu, con rể được bố mẹ phân chia cho di sản trong trường hợp này hoàn toàn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Thừa kế theo pháp luật

Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”. 

Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

- Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

* Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Trong các trường hợp được hưởng thừa kế theo pháp luật thì con dâu/con rể không nằm trong diện được hưởng thừa kế của gia đình chồng/vợ. Do đó, con dâu/con rể không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật khi bố mẹ chồng/vợ mất không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Nếu cha mẹ để lại di chúc dành phần tài sản của mình cho con dâu, con rể thì con dâu, con rể được hưởng thừa kế theo di chúc.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Hà Nội

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn