Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn gian nan!

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 5 năm kể từ khi Hà Nội đặt vấn đề phân vùng, hạn chế dần hoạt động của xe máy để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đến nay lộ trình thực hiện kế hoạch này vẫn còn rất gian nan, mờ mịt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hà Nội hiện có gần 6 triệu xe máy đăng ký lưu hành, ước tính có thêm khoảng 2 triệu chiếc từ các địa phương khác khác thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn TP. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên vấn nạn tắc đường, khói bụi, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, gia tăng tai nạn giao thông cho Thủ đô.

Việc hạn chế dần xe máy đã được Chính quyền TP đưa ra vào năm 2017, với các nội dung chính gồm: Kiểm định khí thải, loại bỏ xe cũ nát; phân vùng hoạt động cho xe máy đi tránh những khu vực nguy cơ ùn tắc cao. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này vẫn chưa được triển khai trong thực tế, thậm chí còn gây rất nhiều tranh cãi. Hễ TP nói đến hạn chế xe máy là áp lực dư luận lại tăng cao vùn vụt.

Nhìn vào đề xuất hạn chế xe máy từ phía người dân có thể thấy, những lo ngại, phản ứng là có cơ sở. Hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại; mặt khác đa số người dân lại chỉ đủ điều kiện để sở hữu và sử dụng xe máy. Nếu hạn chế xe máy hoạt động, người dân thực sự bối rối, không biết phải lựa chọn phương tiện nào để mưu sinh, đi lại hàng ngày.

Bên cạnh đó, lộ trình hạn chế xe máy mà Hà Nội đặt ra lại chưa thuyết phục. Thứ nhất là khâu thông tin, người dân chưa hiểu rõ việc hạn chế xe máy sẽ được thực hiện ra sao, nơi nào bị cấm, nơi nào không. Thiếu thông tin khiến đa số người dân có phản ứng trái chiều.

Thứ hai là việc phát triển hệ thống vận tải công cộng để thay thế xe máy còn quá nhiều trắc trở, đường sắt đô thị chậm tiến độ, xe buýt không đáp ứng được mong muốn về thời gian đi lại… khiến người dân càng khó từ bỏ thói quen sử dụng xe máy cá nhân.

Bên cạnh đó là việc đưa ra mục tiêu nhưng chưa có kịch bản cụ thể khiến lộ trình tiến tới hạn chế xe máy của TP giống như đi trong sương mù, đụng đâu vướng đó. Ngoài ra, các điều kiện để hạn chế xe máy, thay thế xe máy cũ nát cũng chưa được các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ Hà Nội chuẩn bị. Ví dụ như tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy là bao nhiêu, việc kiểm định khí thải xe máy được quy định như thế nào… đều chưa rõ ràng.

Nếu tiếp tục triển khai đề án hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy, theo cách này, có thể khẳng định, còn rất lâu nữa Hà Nội mới đến đích. Chính quyền TP cần xem lại kế hoạch hành động của mình, đưa thông tin đến với người dân cụ thể hơn nữa, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng.

Cùng với đó là dồn toàn lực đầu tư cho vận tải hành khách công cộng để nó có sức hút, tác động đến suy nghĩ, sự lựa chọn của mỗi người dân, khiến họ tự từ bỏ xe máy cá nhân. Sự kết hợp giữa xe buýt - đường sắt đô thị - xe đạp công cộng đang thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng. Đây chính là cơ hội, là điều kiện tiên quyết để Hà Nội bứt phá trên lộ trình hạn chế xe máy.