Cơn lốc ngoại giao đến Trung Quốc và thông điệp cho Mỹ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt chuyến thăm của các nhà lãnh đạo, ngoại giao châu Âu, Brazil... tới Trung Quốc vừa qua đã thu hút sự chú ý của giới quan sát.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã tiếp đón tổng thống Pháp và Brazil, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ngoại trưởng Đức, và một số lãnh đạo cao cấp khác.

Trái ngược với những động thái ngoại giao cấp tập, Tổng thống Emmanuel Macron không thiết lập lại quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva không đưa ra lập trường mới nào về cuộc chiến Ukraine. Trong khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rõ cả bà và Đức đều không có gì mới để đề cập về vấn đề Đài Loan.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty. 
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty. 

Theo Bloomberg, sự xáo trộn ngoại giao không phải là dấu hiệu cho thấy các quốc gia đang tìm cách thay đổi trật tự toàn cầu. Mặt khác, đây là bằng chứng về những lo ngại Trung Quốc muốn thay đổi trật tự vốn có.

Nhìn vào những động thái cụ thể trong thời gian vừa qua để thấy rõ hơn. Trong chuyến thăm Trung Quốc, dù Tổng thống Brazil Lula trao đổi với ông Tập rằng cùng nhau họ sẽ “cân bằng địa chính trị thế giới”, đây là điều quen thuộc. Thực tế, cả ông Lula và cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff - người hiện đang đứng đầu ngân hàng BRICS có trụ sở tại Thượng Hải - đều là những người ủng hộ mạnh mẽ cho “đa cực” và tái cân bằng khi họ lãnh đạo Brazil từ năm 2003 đến 2016. Ngay cả tuyên bố của ông Lula đối đầu với quá trình đô la hóa thương mại cũng là lặp lại chương trình nghị sự của BRICS từ hơn một thập kỷ trước.

Mặc dù hồi đầu tháng này ông Lula đã gợi ý rằng Nga nên giữ Crimea để đổi lấy việc chấm dứt chiến sự, nhưng không đề cập lại ý tưởng đó trong chuyến thăm Trung Quốc, do cả hai bên tham chiến đều chưa muốn ngồi vào bàn đàm phán. Brazil đã từ chối bán vũ khí cho Ukraine trong những tháng gần đây, do đó không ngạc nhiên khi Tổng thống Lula khuyên Chủ tịch Tập Cận Bình rằng các quốc gia "cung cấp vũ khí và khuyến khích chiến tranh” nên ngừng làm như vậy.

Trong khi đó, dù ông Macron có thể đưa ra những lời tâng bốc cho chủ nhà Trung Quốc, còn bà Baerbock và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đưa ra tuyên bố thẳng thắn hơn. Nhưng không ai trong số họ thực sự rời xa chiến lược chính thức đã vạch ra từ lâu: Trung Quốc có thể là một đối thủ cạnh tranh có hệ thống với EU với những giá trị rất khác biệt, nhưng họ phải liên tục tham gia với tư cách là một đối tác trong các thách thức toàn cầu, bao gồm cả hòa bình và an ninh.

Chính sách “quyền tự chủ chiến lược” của ông Macron đối với cả Trung Quốc và Mỹ cũng đã được EU áp dụng trong nhiều năm.

Sau khi tuyên bố của tổng thống Pháp gây phản ứng dữ dội trên báo chí, ngay cả Ngoại trưởng Baerbock cũng khẳng định: “Chính sách của Pháp đối với Trung Quốc phản ánh trực tiếp các chính sách của EU đối với Trung Quốc”.

Đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại, Josep Borrell, cho rằng quyền tự chủ chiến lược chỉ đơn giản là sự khẳng định chủ quyền của châu Âu, hoàn toàn phù hợp với việc “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc.

Thực tế tất cả những chuyến thăm này không thực sự có ý nghĩa đột phá. Chúng là những bản nháp về thông điệp, và có tính đến hai đối tượng rất cụ thể: Bắc Kinh và Washington.

Những thông điệp đó có thể bao gồm: Nhắc nhở nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng những tuyên bố của Bắc Kinh về vai trò lãnh đạo toàn cầu dựa trên lời hứa về sự thịnh vượng chung - do đó sẽ bị chứng minh là vô nghĩa nếu chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan. Chẳng hạn, việc Brazil đón nhận Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng của nước này trong việc nhập khẩu hàng hóa của Brazil, khó có thể tồn tại lâu hơn một cuộc xung đột cắt đứt chuỗi cung ứng.

Và sự hợp tác nhiệt tình của Macron với việc xây dựng hình ảnh của ông Tập Cận Bình là cách tương đối khiêm tốn để nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng vẫn còn lợi ích khi giữ quan hệ tốt với phương Tây. Nếu một chút xu nịnh làm giảm nguy cơ chiến tranh, thì đó không phải là một khoản đầu tư đáng giá sao?

Về phần mình, Mỹ nên lưu ý cách nhìn nhận của cả đồng minh và các nước trung lập ngày nay. Sau nhiều năm liên tục mở rộng các biện pháp trừng phạt đơn phương, nhiều quốc gia như Brazil vô cùng phẫn nộ trước sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Việc ông Macron chỉ trích sự “tách rời” phần lớn là do các đồng minh của Mỹ ở cả châu Á và châu Âu lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thiết kế chính sách chuỗi cung ứng mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty Mỹ.

Nếu Mỹ nghiêm túc trong việc kiềm chế hành vi của Trung Quốc, thì nên mở ra nhiều cánh cửa để đạt được mục đích đó. Không nên cho rằng phần còn lại của thế giới sẽ hoan nghênh các chính sách được cho là hỗ trợ  nhưng thực sự được thiết kế để mở rộng vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ. Cơn lốc ngoại giao của Trung Quốc có thể không phải là dấu hiệu cho thấy thế giới đang thay đổi. Nhưng một số thái độ rõ ràng đã thay đổi. 

Bài lược dịch theo chuyên gia Mihir Sharma đăng tải trên Bloomberg. Ông là thành viên cấp cao tại Observer Research Foundation ở New Delhi và là tác giả của cuốn sách “Tái khởi động: Cơ hội cuối cùng cho nền kinh tế Ấn Độ”.