Còn nhiều nỗi lo ATTP mùa lễ hội

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội, nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), ngộ độc thực phẩm luôn trở thành nỗi lo thường trực của người dân cũng như ngành chức năng.

Lo ngại tình trạng mất ATTP

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau. Bên cạnh các hoạt động lễ hội là những quán ăn thời vụ “mọc lên như nấm” với nhiều hạn chế về điều kiện vệ sinh ATTP. Thực tế vẫn còn đâu đó một số chủ hộ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vì lợi nhuận dẫn đến những vi phạm về ATTP.

Điển hình, trên mạng xã hội Facebook mới đây xuất hiện đoạn clip quay lại cảnh quán nước mía mất vệ sinh ATTP tại khu vực Đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) khiến dư luận bức xúc.

Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip quay lại cảnh chủ quán nước mía có hành vi mất vệ sinh ATTP tại khu vực Đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) khiến dư luận bức xúc. Ảnh: FB V.T.D.
Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip quay lại cảnh chủ quán nước mía có hành vi mất vệ sinh ATTP tại khu vực Đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) khiến dư luận bức xúc. Ảnh: FB V.T.D.

Đoạn clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ bán nước mía lấy nước thừa của khách trước để bán lại cho khách sau, thậm chí ống hút cũng được tận dụng bằng cách rửa lại. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc xác minh và yêu cầu chủ quán này tạm dừng hoạt động, đồng thời chấn chỉnh, không để tình trạng này tái diễn.

Trước sự việc trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình trạng mất ATTP, đồng thời cho rằng cần xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm.

Qua đây, cơ quan chức năng cũng đưa ra khuyến cáo du khách và người dân khi nắm được những thông tin, hình ảnh tương tự, liên hệ ngay với chính quyền để có biện pháp xử lý.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

Nhiều lễ hội đã và đang diễn ra tại các đền, chùa, khu di tích, thu hút lượng lớn người dân, du khách đến trẩy hội. Tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đến nay, khu di tích, thắng cảnh Hương Sơn đã đón hơn 32 vạn người dân, du khách tham quan, trẩy hội chùa Hương...

Đến thời điểm này, các hoạt động đón khách tại chùa Hương diễn ra thuận lợi, an toàn. Hơn 300 hàng quán cũng được chỉnh trang, sắp xếp gọn gàng, giá các dịch vụ niêm yết công khai. Đặc biệt, ngay tại chùa Hương, huyện bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách về ATTP. Do đó, người dân khi phát hiện cơ sở vi phạm có thể gửi thông tin để cơ quan chức năng xác minh và kịp thời xử lý.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra các quán ăn khu vực chùa Hương và lưu ý cơ sở thực hiệu điều kiện về ATTP.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra các quán ăn khu vực chùa Hương và lưu ý cơ sở thực hiệu điều kiện về ATTP.

Qua kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại lễ hội chùa Hương, (cụ thể là kiểm tra một số nhà hàng tại khu vực bến Thiên Trù), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATTP của Hà Nội nhận thấy, năm nay, các cơ sở kinh doanh ăn uống được sắp xếp quy củ hơn trước.

Các nhà hàng tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP; niêm yết công khai giá mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần duy trì việc bảo quản thực phẩm tươi sống đúng quy định, có tủ chuyên dụng, che đậy thực phẩm.

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, tại lễ hội chùa Hương năm nay có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đoàn liên ngành về công tác ATTP của huyện đã kiểm tra, phát hiện 5 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 7,2 triệu đồng.

Xét nghiệm nhanh bát ăn tại nhà hàng Quyết Thắng  (chùa Hương) đều đạt tiêu chuẩn.
Xét nghiệm nhanh bát ăn tại nhà hàng Quyết Thắng  (chùa Hương) đều đạt tiêu chuẩn.

Theo lãnh đạo địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại đây chủ yếu nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, kinh doanh theo thời vụ nên khó quản lý. Trước khi lễ hội diễn ra, địa phương đã tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm ATTP, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.

Trước đó, nhằm bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân năm 2024, Hà Nội đã thành lập 671 đoàn thanh, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã kiểm tra hơn 5.700 cơ sở, phát hiện 899 cơ sở vi phạm, xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, trong dịp lễ hội Xuân năm 2024, các đoàn thanh kiểm tra tiếp tục kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các lễ hội.

Hàng quán bày bán tại chùa Hương (Hà Nội)
Hàng quán bày bán tại chùa Hương (Hà Nội)

Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về ATTP, kiểm soát, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp). Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các lễ hội.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, việc thực hiện kiểm tra tiếp tục đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP ngày càng đi vào nề nếp, thực hiện đúng các quy định về ATTP; biểu dương những cơ sở thực hiện tốt, phát hiện kịp thời các cơ sở sai phạm và xử lý nghiêm.

Trước tình hình vi phạm về ATTP, việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá ATTP nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, góp phần thay đổi hành vi, tập quán trong sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm sức khỏe Nhân dân.