Câu hỏi
Công an xã, phường có quyền tiếp nhận hồ sơ, điều tra tội phạm hay không? Họ có những quyền gì trong trường hợp này?
Trả lời
Theo quy định của Thông tư liên tịch số Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC có hiệu lực từ ngày 14/01/2022 quy định công an xã/phường/thị trấn có quyền:
- Lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan;
- Có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường;
- Xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan;
- Xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại;
- Phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm
Đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận;
Đối với những vụ án ngoài trường hợp trên thì thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 7 ngày.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn