Công bằng hơn với World Cup ở Qatar

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì tập trung vào những trận cầu đẹp mắt và tinh thần thể thao kết nối tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh đang diễn ra, truyền thông và chính trị gia phương Tây lại liên tục thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các giá trị văn hóa, tôn giáo của chủ nhà Qatar.

Sân vận động 974 tại Doha, Qatar được đầu tư xây dựng hiện đại phục vụ FIFA World Cup Qatar 2022. Ảnh: Reuters
Sân vận động 974 tại Doha, Qatar được đầu tư xây dựng hiện đại phục vụ FIFA World Cup Qatar 2022. Ảnh: Reuters

Thay vì tập trung vào những trận cầu đẹp mắt và tinh thần thể thao kết nối tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh đang diễn ra, truyền thông và chính trị gia phương Tây lại liên tục thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các giá trị văn hóa, tôn giáo của chủ nhà Qatar.

Tiêu chuẩn kép của phương Tây

FIFA World Cup 2022 đã đánh dấu rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ. Trước hết, Qatar đã trở thành quốc gia Hồi giáo, Ả Rập và Trung Đông đầu tiên đăng cai tổ chức giải đấu này. Với việc dân số Hồi giáo trên thế giới là khoảng 1,7 tỷ người, chiếm khoảng 1/4 tổng dân số thế giới, sẽ là điều có ý nghĩa khi các quốc gia Hồi giáo trở thành chủ nhà của World Cup thường xuyên hơn. Nhiều quốc gia Hồi giáo cũng đã nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực tổ chức các giải đấu thể thao trong những năm gần đây. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã cạnh tranh trong suốt một thập kỷ qua để giành quyền tổ chức World Cup.

Thứ hai, Qatar là quốc gia có diện tích nhỏ nhất trong số các quốc gia đăng cai trong lịch sử World Cup, dấy lên không ít sự hoài nghi về khả năng tổ chức thành công giải bóng đá lớn nhất hành tinh của quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, chính quyền Doha đã xây dựng thành công 8 sân vận động và hàng loạt cơ sở vật chất hiện đại khác cho sự kiện này, trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ước tính, nhà nước Qatar đã chi hơn 200 tỷ USD cho giải đấu, khiến đây trở thành kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử cho đến lúc này.

Và cuối cùng, chưa bao giờ một kỳ World Cup nói riêng và giải đấu thể thao nói chung nào hứng chịu nhiều chỉ trích về điều kiện sống và làm việc của người lao động, về hệ thống chính trị cũng như các giá trị văn hóa của người dân như World Cup 2022 tại Qatar lúc này.

Trái ngược với tinh thần hữu nghị của thể thao, nhiều hãng truyền thông lớn của phương Tây, như đài BBC, đã không phát sóng nhiều phần của lễ khai mạc World Cup 2022 hôm 20/11, bao gồm màn đọc Kinh Qur'an của người Hồi giáo. Chưa dừng ở đó, báo giới và các chính trị gia phương Tây còn cố gắng làm mất uy tín của Qatar thông qua loạt tuyên bố thiên vị và sai sự thật.

Truyền thông Mỹ và châu Âu đã chỉ trích chính quyền Qatar hạn chế nhân quyền, chẳng hạn như vì quyết định cấm dùng đồ uống có cồn tại các sân vận động, hay việc cấm các cầu thủ sử dụng dấu hiệu ủng hộ cộng đồng LGBT trong các trận đấu. Mặc dù lệnh cấm chỉ giới hạn ở các sân vận động, nhưng các phương tiện truyền thông phương Tây đã rêu rao như thể đó là một lệnh cấm chung. Trên thực tế, nhiều quốc gia khác ở châu Âu như Pháp và Nga, cũng từng áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự khi tổ chức các giải đấu trong lịch sử. Nhưng hầu hết những người chỉ trích hiện nay đều đã im lặng trong quá khứ.

World Cup dường như bị biến thành cơ hội để cố gắng áp đặt văn hóa và giá trị châu Âu hơn là một sự kiện thể thao kết nối toàn cầu, vì loạt hành động xấu xí. Trang bìa của tuần báo biếm họa Pháp Le Canard Enchaine đã vẽ hình các cầu thủ Qatar như những kẻ khủng bố cầm súng trong tay. Hay việc một cổ động viên Anh đã cố gắng vào sân vận động World Cup 2022 trong trang phục của quân thập tự chinh - hành động được kênh truyền hình Talk TV của Anh tung hô là "dũng cảm", "thể hiện tinh thần Anh"...

Để thấy, những ngôn từ và phản ứng của phương Tây đối với Qatar lúc này phản ánh tiêu chuẩn kép, và sâu xa là sự coi thường đối với các quốc gia phương Đông vẫn còn tồn tại. "Những lời chỉ trích của phương Tây đối với Qatar không phải vì nhân quyền… Đó chỉ là "chủ nghĩa phương Đông cũ kỹ" (Old Orientalism) đã được đổi mới cho khán giả hiện đại" - nhà khoa học chính trị Muhammad Jalal, người dẫn chương trình podcast Tư duy Hồi giáo, bình luận với hãng thông tấn Anadolu Agency.

"Người Ả Rập và người Hồi giáo được mô tả một cách quen thuộc là chỉ hữu ích cho việc sản xuất dầu mỏ và tiêu xài hoang phí ở các thủ đô phương Tây" - ông Jalal nói - "Nếu báo chí liên tục mô tả bạn là kẻ trộm, kẻ khủng bố, kẻ giết người, là những người không có những phẩm chất cơ bản của nền văn minh mà người châu Âu có, thì theo thời gian, công chúng châu Âu sẽ nhìn nhận bạn theo cách một chiều này".

Cũng theo chuyên gia này, có một số sự thật trong những lời chỉ trích nhắm vào Qatar về lao động nhập cư, nhưng chỉ ra rằng số liệu về hàng nghìn công nhân thiệt mạng trong quá trình xây dựng sân vận động World Cup 2022 mà báo chí đã đua nhau "giật tít" là sai lệch.

Tờ The Guardian của Anh là bên đầu tin đưa tin rằng khoảng 6.500 công nhân nhập cư từ Pakistan, Sri Lanka, Nepal, Ấn Độ và Bangladesh đã thiệt mạng tại Qatar trong 12 năm qua.

Con số này được dẫn lại một cách không kiểm chứng bởi hầu hết các hãng tin lớn khác, bao gồm cả CNN, khi viết về World Cup 2022. Và mặc dù tiêu đề đề cập đến 6.500 người nhập cư đã chết, nhưng ở sâu trong bài viết gốc, dường như chỉ 37 người trong số đó được cho có liên quan đến việc xây dựng các sân vận động bóng đá.

Câu trả lời của Qatar

Đã có những so sánh ẩn ý về sự tương đồng giữa một Qatar lúc này và những tháng ngày trước khi Libya bị hủy hoại bởi phương Tây. Trong thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến Quốc vương Sheik Tamim bin Hamad Al-Thani của Qatar "vung tiền" trên khắp châu Âu để bơm những khoản tài chính cấp thiết vào các câu lạc bộ bóng đá đang hấp hối, hay các dự án cơ sở hạ tầng nơi Lục địa già.

Giống như Qatar ngày nay, Libya cũng từng đầu tư hàng tỷ đô la tài sản dầu mỏ của mình vào các thủ đô phương Tây, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng lớn trong nước và trên khắp lục địa châu Phi. Hàng tỷ đô la đó đã được sử dụng để hỗ trợ vô số dự án ở London, Paris, Brussels và các nơi khác nữa, để rồi sau đó là bị cướp khỏi người dân Libya khi Benghazi bị áp đặt vùng cấm bay, dẫn đến sự thay đổi chế độ.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở World Cup 2022 như một câu trả lời đanh thép từ chủ nhà Qatar. Cho đến nay, bất chấp mọi sự can thiệp của phương Tây, Qatar vẫn tổ chức tương đối thành công ngày hội sân cỏ. Chính phủ Doha dường như đã cho phương Tây một bài học về cách tôn trọng sự đa dạng của các tôn giáo và các nền văn hóa, văn minh. Qatar 2022 chỉ ra rằng, đã đến lúc các nước phương Tây cần hiểu rằng các giá trị của họ không phải là "phổ quát", và thế giới ngoài phương Tây có thể không chấp nhận tất cả các giá trị của phương Tây.

May mắn thay, không phải tất cả người phương Tây đều đồng tình với một "chủ nghĩa phương Đông cũ kỹ" như vậy. Chẳng hạn, trả lời về việc cấm đồ uống có cồn tại các sân vận động, đương kim Chủ tịch của FIFA Gianni Infantino nêu rõ Qatar có quyền thực hiện các biện pháp đó. Ông Infantino cho rằng phương Tây không có ưu thế về mặt đạo đức để đưa ra các bài học về nhân quyền cho người khác.

"Tôi nghĩ, với những gì mà người châu Âu chúng ta đã làm trong 3.000 năm qua trên khắp thế giới, chúng ta nên xin lỗi trong 3.000 năm tiếp theo trước khi bắt đầu đưa ra những bài học đạo đức cho nhân loại" - Chủ tịch FIFA tuyên bố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần