Thủ tục cấp sổ đỏ có mức hài lòng thấp nhất
Theo đó, 3 bên đã khảo sát xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015 trong phạm vi cả nước từ 1/1/2014 - 30/6/2015, đối với 6 thủ tục hành chính (TTHC) và được triển khai tại 108 xã, phường, thị trấn thuộc 36 quận, huyện, thị xã, TP ở 10 tỉnh, TP trong cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… SIPAS được khảo sát trên 4 tiêu chí: Tiếp cận dịch vụ, hài lòng về tiếp cận dịch vụ, TTHC, sự phục vụ của công chức, kết quả giải quyết TTHC và đều có kết quả cụ thể.
Kết quả SIPAS 2015 cho thấy, người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết TTHC. Con số hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết TTHC là: Thủ tục cấp CMND: 83,4%; Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 74,4%; Thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở: 78,4%; Thủ tục chứng thực: 86%; Thủ tục kết hôn: 89,5%; Thủ tục cấp giấy khai sinh: 87,5%. Chất lượng năng lực chuyên môn của công chức được người dân đánh giá cao, tuy nhiên người dân chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt tình chu đáo của công chức (27% - 47% số người dân được hỏi đánh giá sự giao tiếp, tinh thần phục vụ và năng lực chuyên môn của công chức ở mức bình thường và thấp).
Qua khảo sát cho thấy, hình thức tiếp cận thông tin phổ biến mà người dân thường sử dụng với các TTHC là thông qua chính quyền phường, xã (62% - 76%), tiếp đến là hình thức hỏi người thân, bạn bè (11% - 17%), chỉ có từ 4% - 8% người dân sử dụng hình thức tiếp cận qua mạng. Từ đó cho thấy, để Chính phủ điện tử thành công, để người dân thành công dân điện tử thì cần tuyên truyền nhiều cũng như tạo điều kiện để người dân tiếp cận mạng. Đáng lưu ý, toàn bộ 6 THHC được khảo sát đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài lệ phí, phí phải nộp/không nộp theo quy định. Hiện nay, 2 loại TTHC mà dân không phải nộp phí, lệ phí là giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, lại là 2 thủ tục có nhiều người trả tiền ngoài quy định nhất (20% - 30% số người được hỏi).
Cần xem người dân là “thượng đế”
Kết quả chỉ số hài lòng này cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các tỉnh, TP. Trong đó, người dân ở Đà Nẵng có chỉ số hài lòng cao nhất với quá trình giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, tiếp đến là Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội; thấp nhất là các tỉnh Hưng Yên, Đắk Lắk, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu. Cũng qua khảo sát, người dân đã đưa ra nhiều gợi ý về các nội dung ưu tiên cần cải tiến để việc giải quyết TTHC của cơ quan hành chính Nhà nước được tốt hơn. Trong đó có việc cần mở rộng các hình thức thông tin, tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng tính minh bạch, công khai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ của công chức; nâng cao năng lực giải quyết của công chức; giảm phí/lệ phí..
Tại buổi công bố, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, đến nay đã có hơn 20 địa phương tự triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước này trước khi Bộ Nội vụ tiến hành. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy các địa phương đã quan tâm đến việc làm hài lòng người dân. Phân tích chỉ số SIPAS 2015, Bộ Nội vụ cho rằng, chỉ số hài lòng thấp nhất là 70%, cao nhất là trên 80%, đó là con số khá cao.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tiến hành đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân trên phạm vi cả nước. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, kết quả này cho thấy, thước đo của các cơ quan hành chính Nhà nước chính là sự hài lòng của người dân. Cần xem người dân là “thượng đế” để phục vụ tốt hơn. Chỉ ra được những hạn chế cần khắc phục, bởi cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Ảnh minh họa
|