Theo các chuyên gia đánh giá, dịch ở Hà Nội có thể đạt đỉnh trong hai tuần tới. Ðây là áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp về công nghệ và mỗi người dân nêu cao ý thức của mình.
Thách thức, áp lực lớn với hệ thống y tế cơ sở
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, số ca F0 ở Hà Nội tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là hệ quả tất yếu khi TP mở cửa tất cả hoạt động kinh tế - xã hội cũng như khi học sinh trở lại trường sau Tết. Qua giải trình tự gene người nhiễm Covid-19, ngành y tế đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Chủng này lây lan rất nhanh so với biến chủng Delta. Không loại trừ khả năng có những người trước đó đã mắc chủng Delta rồi, nay lại mắc thêm biến chủng Omicron.
Theo các chuyên gia, 2 tuần tới, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Hà Nội cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ + ý thức người dân.
Đề cập đến vấn đề này, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện số ca F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người nhiễm điều trị ở tầng 2 và 3 của TP. Nhưng vì số bệnh nhân tăng cao nên số giường bệnh phải chuẩn bị ở tầng 2 và 3 cũng rất lớn. Ngành y tế đã lập và quản lý chặt chẽ danh sách các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư...
Trên cơ sở danh sách này, ngành y tế tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung. Đây cũng là nhóm cần xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh chuyển biến nặng. Bên cạnh đó, quản lý tốt bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế chuyển nặng, khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng thì cần chuyển tuyến kịp thời, điều phối hợp lý giữa tầng 2, 3 là cách hiệu quả nhất để giảm tải, ngăn chặn ca tử vong.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, tuy tỷ lệ bệnh nhân nặng đã giảm so với trước, nhưng số liệu ca bệnh nặng vẫn có thể tăng nhanh do mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 15.000 F0 mới và có thể lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh bệnh viện TP, Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của T.Ư, trực thuộc bộ, ngành. Tới nay, ngành y tế đã chuẩn bị được 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường.
Để tránh việc quá tải, ngành y tế cũng thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Ví dụ, bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt nhưng chưa đủ 10 ngày theo quy định của Bộ Y tế, nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện. Việc này giúp tiết kiệm được giường bệnh cho F0 mới nhập viện, cũng như giảm tải cho nhân viên y tế.
Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải, kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay. TS Trần Thị Nhị Hà cũng nhấn mạnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn theo nội dung TP đã làm việc: điều trị bệnh nhân tầng 2, 3; dành ít nhất 50% số giường… Khi đó, Sở Y tế sẽ điều tiết lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị ngay trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, hiện tại TP công bố hơn 15.000 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lên đến cao hơn khi nhiều người có triệu chứng nên không xét nghiệm, thậm chí không khai báo, không liên hệ được với cơ sở y tế nên không được kiểm đếm. Điều đáng lưu ý là TP vẫn đang kiểm soát được ca bệnh nặng, tỷ lệ tử vong thấp.
“Trong giai đoạn đỉnh dịch (khoảng giữa tháng 3), rất khó để tính toán số ca thực sự khi lên đến đỉnh dịch sẽ có bao nhiêu ca bệnh/ngày tuy nhiên, thống kê ca mắc Covid-19 sẽ không còn ý nghĩa. Hà Nội cần tập trung cho những ca bệnh nặng, những ca thở máy và ca tử vong. Khi người dân tiêm đủ vaccine, không có triệu chứng thì không cần quan tâm ca nhiễm hàng ngày nữa” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nêu ý kiến.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong thông tin và thực hiện 5k
Nêu ý kiến về vấn đề này, TS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, tuy nhiên là số lượng các trường hợp nặng, nguy kịch không quá cao, điều mà chúng ta có thể nhận thấy khi số tử vong không tăng vọt như số ghi nhận nhiễm. Đây có thể là kết quả từ các chiến dịch tiêm chủng trong thời gian vừa qua bởi vaccine tuy không ngăn được biến thể Omicron nhưng vẫn có tác dụng giảm thể nặng và tử vong.
Tâm lý chủ quan của người dân khi số nhiễm mới không giảm là điều đặc biệt nguy hiểm bởi Covid-19 không chỉ là vấn đề của quá tải y tế lúc mới mắc mà còn là vấn đề hậu Covid. Vì vậy, các bác sĩ vẫn khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp dự phòng, giảm thiểu lây nhiễm và tuân thủ sự hướng dẫn trong điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ tổn thương hậu Covid sau này.
“Như vậy, cùng với việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch, các địa phương, đơn vị cũng cần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng y tế trong việc sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người nhiễm Covid-19 chuyển nặng” - TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Để giảm quá tải y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục phát huy hơn tính chủ động, sáng tạo, với mục tiêu cụ thể là đảm bảo phục vụ tốt nhất, nhanh nhất đối với người dân. Mọi người dân phải nắm được dấu hiệu nhận biết, quy trình chăm sóc, điều kiện cần thiết tại nhà. Cần xét nghiệm khi nào để tránh lãng phí, không gây hoang mang, lo lắng, khi có triệu chứng thì cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức liên lạc nào, đảm bảo quy trình… Cùng với việc kêu gọi các lực lượng hỗ trợ, các đơn vị cần tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giảm các công việc liên quan thủ tục hành chính, giấy tờ cho các F0, F1.
“Ngành y tế, Sở TT&TT cần nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng, sử dụng tốt các phần mềm quản lý người nhiễm Covid-19 nhằm rút ngắn quy trình, vừa giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc, vừa giảm quá tải cho y tế cơ sở. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã rà soát ngay, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách với cán bộ y tế… TP cùng các sở, ngành, cộng đồng sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn để lực lượng y tế cơ sở tập trung vào công tác chuyên môn trong bối cảnh dịch gia tăng hiện nay” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Các đơn vị phải có hướng dẫn, thích ứng cụ thể, phải thường xuyên theo dõi, nắm rõ con số bao nhiêu trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh
Giai đoạn này đánh giá mức độ nguy cơ cần thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong. Vấn đề quan trọng là khả năng điều phối và đáp ứng y tế ở các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày. Nếu không đánh giá chính xác được khả năng đáp ứng y tế mỗi tuyến, dễ gây quá tải hệ thống.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - TS Trần Thị Nhị Hà