Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp cơ khí khó phát triển vì mất nhiều đơn hàng lớn

THEO VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Nhà nước cần tính toán và có chính sách sao cho doanh nghiệp cơ khí trong nước có nhiều đơn hàng và thị trường để tái đầu tư phát triển.

Nhận định về công nghiệp cơ khí Việt Nam, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam hiện nay quá lạc hậu với thế giới. Có rất ít doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đạt trình độ công nghiệp 3.0 khiến cho ngành cơ khí Việt Nam bị thua ngay trên “sân nhà” trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại.
Nguyên nhân dẫn đến sự “tụt hậu” này, theo ông Long, là hệ thống chính sách và bộ máy quản lý nhà nước đối với sản xuất cơ khí nội dịa không hữu hiệu, không đi vào cuộc sống, không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài, để doanh nghiệp FDI lấn sân ngay tại thị trường Việt Nam cũng như khu vực.
 Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam - VAMI. (Ảnh: Zing.vn)

Trong khi đó, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phần lớn được đầu tư tự phát; nghiên cứu thị trường, quản lý công nghệ yếu kém dẫn đến sản phẩm rất khó cạnh tranh với các nước khi chủ yếu là gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

“Sản xuất cơ khí cũng giống như sản xuất của các ngành kỹ thuật khác, thị trường là yếu tố quan trọng nhất. Nhiều năm qua, do những yếu kém nói trên dẫn đến thị trường cơ khí nội địa Việt Nam dù có dung lượng lớn nhưng các doanh nghiệp cơ khí trong nước không thể cạnh tranh, khai thác được”, ông Long cho biết.
Do đó theo ông Long, trong thời gian tới, Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam cần dựa trên cơ sở nghiên cứu tính toán, lựa chọn một số ngành hàng sản xuất sản phẩm cơ khí có thị trường nội địa, có thể cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài để bổ sung vào danh mục sản phẩm trọng điểm.
Đó là sản xuất, lắp ráp ô tô buýt, ô tô tải; chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép cho các công trình công nghiệp đầu tư xây dựng mới; chế tạo những trang thiết bị chống ngập mặn, xử lý bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng xanh và một số sản phẩm của công nghiệp quốc phòng.
“Những sản phẩm cơ khí này phần lớn là đầu tư công, do đó cần có chính sách để tạo đơn hàng trước hết cho sản xuất cơ khí nội địa, kiểu như nhiều nước đã và đang thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Nhà nước cần tính toán và có chính sách sao cho doanh nghiệp trong nước có nhiều đơn hàng, thị trường để đầu tư phát triển”, ông Long đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Long mong muốn Chính phủ cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, hạn chế tối đa việc nhập khẩu các công nghệ, máy móc trang thiết bị đã qua sử dụng lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường từ các nước về Việt Nam./.
Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam với mục tiêu đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí. Đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại...