Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Điện Biên chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Kinhtedothi - Phát triển sản phẩm OCOP bền vững là mục tiêu quan trọng của tỉnh Điện Biên nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch.

Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Điện Biên có 109 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 5 sản phẩm đạt 4 sao và 104 sản phẩm đạt 3 sao. Trong số đó, một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường, dần xây dựng niềm tin từ người tiêu dùng như: thịt trâu sấy của huyện Mường Chà; gạo nếp nương, bánh khẩu xén Mường Lay; dứa Mường Chà; chè Tủa Chùa, gạo Điện Biên…

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2030 có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp được công nhận OCOP và phát triển bền vững.

Các sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh đều đặc sắc, gắn với lợi thế đất, khí hậu riêng từng huyện, từng xã. Vì vậy, thường là sản phẩm OCOP địa bàn nào sẽ được đặt tên gắn với địa danh nơi vùng sản xuất sản phẩm đó, như: bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, cà phê Mường Ảng, chè shan tuyết Tủa Chùa; gạo tám thơm Điện Biên…

Huyện Mường Ảng hiện có 10 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm hạng 4 sao; 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Để đạt được những kết quả nêu trên huyện đã và đang quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, khuyến khích các chủ thể thực hiện các quy trình, trình tự đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP và phát triển sản phẩm OCOP bền vững, nâng cao về chất lượng, sản lượng sản phẩm.

Huyện xác định, thời gian tới tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, thực hiện chấm xếp hạng lại sản phẩm OCOP theo quy định. Đồng thời, phát triển các sản phẩm, dịch vụ OCOP, coi đây là tiền đề quan trọng để phát triển, nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm hiện có và phát triển các sản phẩm mới tham gia vào chu trình OCOP.

Huyện vùng cao Tủa Chùa có các sản phẩm được cộng nhận OCOP như trà xanh shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, trà xanh shan tuyết Sính Phình do Công ty TNHH một thành viên Hương Linh sản xuất. Trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, vùng chè shan tuyết cổ thụ ở các xã phía bắc huyện Tủa Chùa là Sín Chải và Tả Phìn đều trong tình trạng ế ẩm triền miên khiến người trồng chè nơi đây chán nản, chặt bỏ dần loại cây từng có thời gắn bó với họ như máu thịt. Nhưng kể từ khi Công ty TNHH MTV Hương Linh liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm chè búp tươi để chế biến thì vùng chè Tủa Chùa “đã sống lại”.

Đến nay, diện tích vùng chè liên kết của Công ty Hương Linh đã không ngừng mở rộng. Năm 2019, Công ty liên kết với 391 hộ dân khu vực chè với diện tích 32 ha chè. Năm 2024, sau 5 năm, diện tích vùng chè liên kết đã mở rộng gần 200 ha của khoảng 1.000 hộ dân với gần 8.000 gốc chè cổ thụ, tuổi đời trung bình 400 năm tuổi, chiếm khoảng 80% sản lượng chè của cả vùng. Ngoài ra còn có gần 600 héc ta chè được trồng mới, phát triển từ vùng chè cây cổ thụ.

Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2030 có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp được công nhận OCOP và phát triển bền vững. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng sản phẩm Điện Biên phát triển số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; mỗi sản phẩm OCOP được công nhận góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thị trường trong nước, quốc tế.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP gắn với các lĩnh vực du lịch, dịch vụ; chọn lọc sản phẩm tiềm năng để đầu tư trọng điểm, hỗ trợ về đào tạo, xây dựng chuỗi liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh các chỉ tiêu định lượng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phát triển sản phẩm một cách thực chất, dựa trên nhu cầu thị trường, tiềm lực sản xuất của chủ thể và giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh những sản phẩm OCOP sản xuất bài bản, hiệu quả, thực tế cho thấy phần lớn sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính tự phát, sản xuất thủ công với quy mô nhỏ lẻ. Một số sản phẩm dù đã được chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao nhưng lại ít được người tiêu dùng biết đến.

Nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP khó phát triển bền vững là việc nhiều chủ thể chưa chú trọng xúc tiến thương mại, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hiện nay chủ thể các sản phẩm OCOP chủ yếu là hợp tác xã nhỏ, vừa và chủ thể là người dân, vì vậy, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và tham gia các sàn thương mại điện tử còn hạn chế.

Đặc biệt, nhiều chủ thể không có đủ nguồn lực và nhân lực có trình độ chuyên môn để áp dụng phần mềm quản lý sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc hay tham gia các nền tảng bán hàng trực tuyến. Việc quảng bá và xúc tiến thương mại chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến việc sản phẩm OCOP chưa được tiếp cận với thị trường rộng lớn qua các kênh bán hàng trực tuyến…

Việc phát triển sản phẩm OCOP đã từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất truyền thống sang công nghệ hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, giúp tăng năng suất, sản lượng, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP Điện Biên vươn ra thị trường trong nước, thế giới.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: sản phẩm OCOP phát triển về số lượng và chất lượng

Ninh Bình: sản phẩm OCOP phát triển về số lượng và chất lượng

20 Apr, 02:24 PM

Kinhtedothi - Ninh Bình tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư hơn nữa vào các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm OCOP với các chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng cường giá trị sản phẩm.

Sơn La phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP

Sơn La phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP

09 Apr, 10:53 AM

Kinhtedothi - Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ