Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Tổng cục thống kê nhận định “ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới”. Thế nhưng, liệu có những khó khăn đến từ chính các yếu tố nội tại - vấn đề bên trong của nền kinh tế không? Và nội lực nào để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 29-NQ/TW (ban hành ngày ngày 17/11/2022) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; để đến năm 2030 “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao…” như Nghị quyết đã đề ra?
Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm - trong cả giai đoạn 12 năm từ 2011-2023. Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo - chiếm tới hơn 85% kim ngạch xuất khẩu suốt 5 năm trở lại đây đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng - khi chỉ tăng có 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm nay. Báo cáo Chính phủ về kết quả này, Bộ Công Thương khẳng định “sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm và chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm ngoái”.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Thế nhưng, bước sang năm 2023, toàn ngành công nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, với tốc độ tăng trưởng “âm” tới 6,3% ngay trong 2 tháng đầu năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% - là điều chưa từng xảy ra - theo số liệu thống kê cùng kỳ trong suốt hơn 20 năm qua. Và mặc dù đã có sự tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3, nhưng - như đã thông tin - cũng chỉ đưa giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nêu thực tế: “Mặc dù Cục Công nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp trong nước vẫn có sự sụt giảm đáng kể và cũng phục hồi rất chậm. Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày, sản xuất kim loại, thép… đều suy giảm đáng kể cả về chỉ số sản xuất, sản lượng sản xuất lẫn kim ngạch”.
Công nghiệp liệu đã “chạm đáy”?
Khi quay đầu tăng trưởng dương từ tháng 3, nhiều nhận định rằng: công nghiệp Việt Nam đã “thoát đáy” và khả năng sẽ sớm phục hồi, phát triển. Thế nhưng, cùng với khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 lên tới hơn 83% cho thấy vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp ngành da giày vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Tình trạng đơn hàng cũng bị suy giảm. Với các khách hàng truyền thống thì mức độ suy giảm khoảng 30-40%, và 1 số doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các đơn hàng nhỏ gần như là chưa có tín hiệu khả quan”.
Nguyên nhân đầu tiên và căn bản được chỉ ra của việc suy giảm đơn hàng dẫn đến suy giảm sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 là do nhu cầu tiêu dùng của thế giới sụt giảm mạnh trước các tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và cuộc chiến Nga - Ukraine…
Thế nhưng, sẽ lý giải thế nào khi vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác - cũng được đánh giá là cơ bản và quan trọng - được nhiều đại diện cơ quan quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan của ngành Công Thương chỉ ra.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho rằng: “Tình hình khó khăn về kinh tế có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các quốc gia. Từ đó, các quốc gia có thể sử dụng nhiều hơn các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước của mình và tạo ra tác động tiêu cực kép đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam...”
Còn bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada nhận định: “Những ưu đãi phổ cập thuế quan của Việt Nam chúng ta chỉ được hưởng đến ngày 31/12/2023. Hiện nay, theo chúng tôi ghi nhận là xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang địa bàn (Canada) theo nguyên tắc xuất xứ CPTPP thì phải là từ sợi trở đi. Và như vậy thì nhiều sản phẩm của chúng ta không đảm bảo được vấn đề đầu vào, và đây chắc chắn là khó khăn rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Nguyên tắc xuất xứ và khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan cho sản phẩm thuỷ sản cũng như xu hướng giảm “dầu chân cacbon” trong tiêu dùng sẽ chắc chắn ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản”.
Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với thế giới. Một nước có mức thu nhập trung bình thấp, là nền kinh tế có độ mở lớn (với giá trị thương mại xuất, nhập khẩu gấp gần 2 lần quy mô GDP), lại tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) - đều là các nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao.
Tiếp tục thực thi các hiệp định này, năm 2023 Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, môi trường, lao động… nếu muốn xuất khẩu và được hưởng các ưu đãi thuế quan theo đúng lộ trình đã cam kết.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp, song, không thể phủ nhận một thực tế: Nội lực của công nghiệp Việt Nam còn yếu, dàn trải, manh mún, thiếu định hướng công nghiệp mũi nhọn, việc xác định đâu là ngành chủ lực cũng chưa thực sự rõ ràng. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, chế biến, tận dụng nhân công giá rẻ nên giá trị gia tăng thấp.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đã thẳng thắn thừa nhận thực tế này tại thời điểm Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
“Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quá trình công nghiệp hóa của nước ta trong thời gian vừa qua còn một số hạn chế có thể kể đến, như: Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, không ổn định, thiếu bền vững; giá trị gia tăng thấp; chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nội lực của công nghiệp và nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp - đặc biệt là trình độ khoa học và công nghệ - còn nhiều hạn chế. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.