Khó chồng khó
KCN Hanssip tiền thân là Cụm công nghiệp Đại Xuyên - Phú Xuyên - tỉnh Hà Tây) là một trong các dự án Thủ đô gặp không ít khó khăn do nhiều yếu tố khách quan bởi chính sách thiếu đồng bộ, thực thi để phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Từ năm 2015, Nghị định 111 về phát triển CNHT được ban hành, đến nay đếm trên đầu ngón tay các DN CNHT được áp dụng hưởng ưu đãi khuyến khích phát triển, chỉ riêng việc áp dụng được chứng nhận là DN CNHT để được nhận ưu đãi cũng quá nhiều bất cập cho DN.
Phải mất gần 3 năm GPMB và chờ chính sách hợp nhất tỉnh Hà Tây và Hà Nội, bởi sức cạnh tranh về giá thuê đất của Thủ đô cao gần gấp 3 lần so với các tỉnh thành lân cận dẫn tới KCN khó thu hút đầu tư lĩnh vực được giao là CNHT, đặc biệt là bùng phát dịch Covid-19 đã đẩy lùi gần 3 năm phát triển của KCN chuyên sâu cho ngành CNHT.
Tuy nhiên, KCN Hanssip vẫn nỗ lực tìm cách tập trung hoàn thiện hạ tầng, cùng các tiện ích phần nổi phục vụ cho các DN, hộ sản xuất kinh doanh và xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Toàn bộ hạ tầng đã cơ bản hoàn thành từ năm 2016 - 2017 và đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu, chủ đầu tư KCN Hanssip tập trung thu hút đầu tư giai đoạn 1 theo hướng tiếp cận các DN - Tập đoàn quốc tế vào thuê đất sản xuất. Từ đó hóa giải bài toán hóc búa là giá thuê đất của Thủ đô cao và lan toả, hút các DN vệ tinh của Việt Nam vào tham gia đầu tư chuỗi sản xuất Việt Nam và toàn cầu.
Hiện, KCN Hanssip đã có nhiều Tập đoàn - DN lớn quốc tế đến khảo sát và ký hợp đồng thuê đất đầu tư trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ ngành T.Ư, TP Hà Nội tại hội nghị xúc tiến đầu tư 2018 (Lotes Hà Nội).
Nổi bật là Công ty MBI Hàn Quốc đầu tư gần 1 tỷ USD để sản xuất xe máy và linh kiện ô tô điện tại KCN Hanssip và nhiều công ty FDI khác. Tuy nhiên, do các chính sách và sự phù hợp thời điểm đầu tư và đặc biệt là bùng phát đại dịch nên MBI và các nhà đầu tư sản xuất đã thông báo tạm dừng đầu tư chờ thời điểm thích hợp.
Hanssip là 1 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và chỉ đạo đầu tư phân kỳ hợp lý, gắn với Đô thị - Dịch vụ, nhà ở công nhân - chuyên gia… do UBND TP Hà Nội trình, được Bộ KH&ĐT thẩm định lấy ý kiến qua 8 bộ ban ngành, có thể nói vào thời điểm năm 2010 chưa có tiền lệ đầu tư KCN gắn với đô thị.
Tháo vướng mắc
Từ thực tế, 10 năm qua Thủ đô chưa hình thành thêm được 1 KCN nào ngoài KCN Hanssip, từ chỗ Hà Nội đứng hàng đầu phát triển Công nghiệp so với cả nước nay đi xuống hàng 2 con số. Lợi thế rất lớn bởi Hà Nội có hạ tầng giao thông và tiện ích hoàn chỉnh hiện đại bậc nhất so với cả nước, đội ngũ lao động trình độ cao đủ đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới, có các nhà quản lý trình độ ngang bằng các nước ASEAN tốp đầu…
Vậy tại sao ngành công nghiệp và CNHT Thủ đô chưa phát triển tương ứng với tiềm năng? Câu hỏi đã được Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặt ra tại nhiều hội nghị (trong đó, tại Hội nghị tiếp xúc giải quyết khó khăn cho DN Thủ đô năm 2021 vừa qua) và yêu cầu các ngành liên quan tại Thủ đô phải tìm ra, có giải pháp thực hiện.
Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo ngay trước mắt phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, rút gọn và không kéo dài thủ tục gây cản trở đầu tư SXKD cho DN, rà soát các quy định và luật chồng chéo gây khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư SXKD, chủ động điều chỉnh trong thẩm quyền của TP, cũng như kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và cơ quan liên quan để điều chỉnh phù hợp.
Bí thư Thành ủy yêu cầu tập trung thúc đẩy hỗ trợ phát triển - thu hút đầu tư cho các KCN, trong đó có KCN Hanssip. Tập trung phát triển ngay hơn 40 Cụm công nghiệp làng nghề theo tiêu chuẩn hiện đại đảm bảo môi trường cho DN và hộ gia đình làng nghề phát triển SXKD .
Với định hướng chỉ đạo quyết liệt, các hoạt động đầu tư phát triển lĩnh vực Công nghiệp đã được UBND TP và các sở ngành quan tâm đẩy mạnh, một số cụm công nghiệp đã được khởi công và hình thành trong giai đoạn tới. Đặc biệt, lĩnh vực CNHT đã được thúc đẩy, KCN Hanssip (giai đoạn 1) đã chuyển mình tập trung thu hút đầu tư các DN vừa và nhỏ trong nước và FDI. K
CN Hanssip không chỉ cân đối bù giá - giảm giá thuê đất Công nghiệp cho các DN từ giá thành Đô thị - Dịch vụ, kết nối đầu vào - đầu ra cho DN, hỗ trợ thủ tục đầu tư miễn phí… mà còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ để hình thành Học viện hướng nghiệp ngành CNHT Việt Nam (Học viện đầu tiên của cả nước do Tập đoàn N&G - tư nhân đầu tư hoạt động phi lợi nhuận).
Sự ra đời của Học viện hướng nghiệp ngành CNHT để hỗ trợ kết nối các trường nghề - công nhân kỹ thuật tới các DN công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước khi đến đầu tư sản xuất tại KCN Hanssip. Các học sinh - sinh viên cuối kỳ tại các trường cao đẳng dạy nghề sẽ được tiếp nhận vào thực hành tại Học viện và được chính các Giám đốc sản xuất các nhà máy - Công ty hoạt động tại KCN Hanssip dạy trực tiếp và tuyển dụng vào làm việc. Mặt khác, sẽ có hàng trăm giáo viên - chủ DN của Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội hỗ trợ giảng dạy và tiếp nhận vào làm việc. Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội được ra đời từ 2014 quy tụ hàng trăm DN hiện nay chính là sự khởi xướng - sáng lập bởi chủ đầu tư KCN Hanssip.
Cụ thể hóa hút đầu tư
Tiếp nối và cụ thể hóa chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2021, KCN Hanssip thực hiện chương trình phát triển thu hút đầu tư với giải pháp mới, đã ký nhiều hợp đồng - MOU thuê đất với các DN vừa và nhỏ trong, ngoài nước (không chờ DN đại bàng cho giai đoạn 1 Hanssip, sẽ quy hoạch bố trí quỹ đất lớn phù hợp với các DN lớn - siêu lớn đã đang khảo sát và đàm phán thuê đất tại giai đoạn 2 Hanssip lên tới hơn 300ha).
Cuối năm 2021 đã được Ban QLKCNCX Hà Nội cấp giấy phép đầu tư gần 300 tỷ đồng cho DN Tomexco (Việt Nam) đầu tư sản xuất quạt công nghiệp và thiết bị điện xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu… Ký hợp đồng nguyên tắc với các DN Hàn Quốc (Công ty Sein), Hikari, Biotech.
Đặc biệt, Công ty Onaga (Nhật Bản) đại diện cho nhóm hàng trăm DN công nghệ cao của vùng Kobe (Nhật Bản) trong lĩnh vực linh kiện hàng không - tàu biển - ô tô và nông ngư nghiệp (đã được KCN Hanssip ký với đại diện nhóm DN Nhật này tại Tokyo trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và quan chức Nhật Bản). Trong quý II/2022 nhóm DN Nhật sẽ sang đợt 1 để làm thủ tục đầu tư và xây dựng nhà máy đầu tiên tại KCN Hanssip. Các DN Nhật Bản này sẽ kết nối hợp tác với các DN Việt Nam để cùng sản xuất tham gia chuỗi sản xuất Nhật Bản và dần tham gia vào chuỗi SX toàn cầu.
Với tinh thần vượt khó, biến nguy thành cơ, dám đầu tư - kinh doanh không lợi nhuận của giai đoạn 1 KCN Hanssip để định vị thương hiệu, bứt phá, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ Thủ đô vào thuê đất - nhà xưởng tiêu chuẩn để phát triển ngành Công nghiệp và CNHT Thủ đô.