Công nghiệp hỗ trợ yếu kém sẽ khó có ô tô giá rẻ

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Công nghiệp hỗ trợ là một trong những yếu tố quyết định giá bán xe ô tô do doanh nghiệp trong nước sản xuất và lắp ráp.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong 2 năm gần đây đã có sự phát triển khá khả quan, làm thay đổi cục diện thị trường, từng bước đánh dấu được tên tuổi một số thương hiệu trên bản đồ sản xuất ô tô trên thế giới. Một số dự án lớn trong ngành ô tô đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua như dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, Thaco Mazda, Huyndai Thành Công...
Giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước phụ thuộc rất nhiều vào việc cung cấp phụ tùng linh kiện nội địa hóa.
Tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất thấp
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, bước sang năm 2018, thị trường ô tô Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, nhất là những tác động từ những chính sách quan trọng như chính sách thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt; Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện… khiến sản lượng sản xuất ô tô 10 tháng ước đạt trên 208.000 chiếc, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù sản xuất ô tô đã có bước phát triển, song sau gần 30 năm phát triển, quy mô của các nhà máy vẫn ở mức khiêm tốn, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Sở dĩ tỷ lệ nội địa hóa của công nghiệp ô tô thấp theo các chuyên gia là do thị trường không đủ lớn để DN đầu tư, quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn rời rạc…
Theo ông Lương Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương), công nghiệp hỗ trợ là một trong những yếu tố quyết định giá bán xe ô tô do DN trong nước sản xuất và lắp ráp. Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô chưa phát triển nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10 - 20%.
“Công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chậm phát triển là do dung lượng thị trường nội địa hạn chế, lại bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu mã khác nhau khiến cho các công ty cả sản xuất, lắp ráp và sản xuất linh kiện phụ tùng rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt”, ông Toàn cho biết.
Thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi, Việt Nam từng được đặt mục tiêu nội địa hóa 40% vào năm 2005 và tăng lên 60% vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt bình quân từ 7 - 10%, một số dòng xe do Trường Hải (THACO) lắp ráp đạt tỷ lệ nội địa hóa 15 - 18%. Ngay cả dòng xe du lịch như Toyota Innova cũng mới đạt tỷ lệ nội địa hóa 37%.
Hiện nay, tổng số các DN sản xuất liên quan đến ô tô là 358 DN, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm phụ tùng, linh kiện ở mức độ đơn giản, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đối với công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô, Chính phủ đã hỗ trợ tối đa nhưng các DN mới chỉ cố gắng vừa phải. Việt Nam cũng có nhiều chính sách đãi công nghiệp ô tô, nhưng nếu DN Việt Nam không nhanh chân, các DN FDI sẽ chiếm hết ưu thế.
Trong khi đó, theo phân tích của ông Shinjiro Kajikawa - Phó giám đốc Toyota Việt Nam, quy mô thị trường sẽ đóng vai trò quyết định việc phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô. Tuy vậy, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ, chỉ khoảng dưới 300.000 xe/năm, lại phân bổ vào rất nhiều dòng xe khác nhau. Trong khi về lý thuyết, mỗi mẫu xe muốn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa phải đạt sản lượng tối thiểu 50.000 xe/năm. “Đây là nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam tăng cao”, ông Shinjiro Kajikawa chia sẻ.
Cần chính sách đồng bộ
Theo các chuyên gia, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô không thể đạt được nếu thiếu sự tăng trưởng của thị trường, sản xuất lắp ráp xe trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Cần phải nâng cao năng lực DN công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo ông Lương Đức Toàn, cần thúc đẩy liên kết giữa các DN công nghiệp hỗ trợ và các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; hỗ trợ các DN nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý sản xuất, chuyển giao công nghệ, phát triển khoa học và công nghệ và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ.
“Cần hình thành gói tín dụng ưu đãi với cơ chế tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; đồng thời, hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn và thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm; trong đó có cả việc thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới”, ông Toàn kiến nghị.
Để mở rộng và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Shinjiro Kajikawa cũng như các DN FDI mong muốn Chính phủ sẽ cân nhắc các chính sách có hiệu quả để giảm chi phí đầu tư. Trong đó, muốn phát triển được ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ, cần phải có hệ thống chính sách đồng bộ, đặc biệt là chính sách thuế đảm bảo tính ổn định, nhất quán trong thời gian dài, phù hợp với xu thế hội nhập, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất.