99% công nhân may có lương không đủ sốngChị Nguyễn Thị Minh, 39 tuổi đang sống và làm việc tại một DN sản xuất các sản phẩm váy và áo khoác cho các thương hiệu thời trang toàn cầu. Trong 6 ngày làm việc một tuần và ít nhất mỗi ngày làm 9 tiếng, chị Minh kiếm được khoảng 21.000 đồng/giờ. Chồng mất khả năng lao động do mắc bệnh mãn tính, chị là người có thu nhập duy nhất trong gia đình với 4 miệng ăn. "Nếu tôi bị ốm và không thể làm việc thì mọi chi phí trong gia đình không biết sẽ tính sao?" - chị Minh lo lắng.Câu chuyện của Minh không phải là hiếm, bởi phần lớn các công nhân may ở Việt Nam đều đang làm việc quá sức, bị trả lương thấp và hiếm khi được tận hưởng cuộc sống. Kết quả khảo sát do Tổ chức Oxfam phối hợp cùng Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện mới được công bố cho thấy: Lương không đủ sống kéo theo nhiều hệ lụy đối với công nhân may. Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thu Lan – Trưởng nhóm nghiên cứu thông tin: 99% công nhân may được khảo sát cho biết mức lương thực tế thấp hơn lương đủ sống, tính theo sàn lương châu Á (AFW); 74% công nhân có tiền lương thực tế thấp hơn lương đủ sống theo cách tính của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu (Anker). Khi tính cả tiền làm thêm giờ thì vẫn có tới 99% thấp hơn lương đủ sống AFW và 52% thấp hơn lương đủ sống Anker. Vì lo lắng về an toàn, học hành và dinh dưỡng của con cái nên 65% công nhân thường xuyên phải làm thêm giờ, dẫn đến hay bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp, đau đốt sống cổ. Nhưng khi bị bệnh, họ lại không đủ tiền khám chữa bệnh và thuốc men. PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chia sẻ hai vấn đề gặp phải khi ông đi khảo sát đời sống công nhân ở khu vực Tây Nguyên. Thứ nhất, đối với những DN không tổ chức làm thêm giờ thì công nhân yêu cầu tạo điều kiện nếu không họ sẽ đình công hoặc đi tìm chỗ khác. Thứ hai, công nhân đề nghị Tổng giám đốc DN cho biết tổng 26 ngày lương trong tháng của họ, rồi tính phần gửi về nhà, còn lại sẽ chia ra ăn uống và sinh hoạt mỗi ngày. “NLĐ đã chấp nhận mức sống theo số tiền mình làm được chứ không phải theo định lượng dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe” – ông Thọ nhận định.Nâng mức lương tối thiểu thành mức sống tối thiểuMay mặc là một ngành đầu tư sinh lợi lớn. Các nhãn hàng thời trang đang phát triển và nhanh chóng tăng doanh thu, đồng thời tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, lợi tức cho cổ đông. Trong khi các nước châu Á xác lập mức lương tối thiểu thấp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì các nhãn hàng cũng đàm phán không minh bạch để ép giá các nhà máy sản xuất hàng may mặc. Và để đáp ứng đòi hỏi của nhãn hàng lớn, các nhà máy buộc phải yêu cầu công nhân làm việc nhiều giờ với mức lương thấp.Từ những hệ lụy khi tiền lương không đủ sống, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị. Theo đó, khách hàng và nhãn hàng cần tham khảo ý kiến của Công đoàn để đảm bảo NLĐ có tiếng nói liên quan tới điều kiện làm việc của họ ở tất cả các nhà máy. Đồng thời công bố công khai cam kết tôn trọng quyền về lương đủ sống của NLĐ và hành động hướng tới lương đủ sống trong chuỗi cung ứng của mình. Đối với các DN, cần thương lượng giá đơn hàng cho phép trả lương đủ sống đối với NLĐ. Về đề xuất đối với Công đoàn, bà Tống Thị Minh – nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTB&XH cho biết, cần nâng cao vai trò của tổ chức này. Bởi tới đây, Nhà nước không can thiệp vào việc trả lương cho NLĐ, Công đoàn cần thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương và tăng cường năng lực đàm phán để thu nhập của công nhân đủ sống. Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: “Lương tối thiểu hiện nay chỉ là sàn để bảo vệ NLĐ yếu thế và là mức thấp nhất để thỏa thuận tiền lương cho NLĐ”. Ông Quảng đề nghị Chính phủ có chính sách trong việc xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức lương đủ sống.