Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại quận Hai Bà Trưng: Bước chuyển tích cực trong nhận thức

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tăng cường công tác an toàn thực phẩm (ATTP), quận Hai Bà Trưng triển khai một số mô hình điểm về ATTP, đến nay đã đi vào cuộc sống và sẽ được nhân rộng trên địa bàn. Trong đó, có thể nói hiệu quả đáng kể nhất là nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác ATTP được nâng lên rõ rệt.

Quán cà phê ZEPHYR - một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên phố Bà Triệu (phường Lê Đại Hành) đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Hiệu quả từ những mô hình hay
Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng đang quản lý 3.785 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD), chế biến thực phẩm tại 20 phường và các chợ hạng I, II. Là địa bàn đông dân với trình độ dân trí không đồng đều, thách thức lớn đặt ra trong quản lý ATTP đó là đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả. Vì vậy năm 2017, quận triển khai “Đề án quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây”, trong đó cán bộ phòng Kinh tế quận, 20 phường phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tích cực hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kinh doanh, GCN đủ điều kiện ATTP… cho các cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn. Đến nay, 100/100 cửa hàng đã được cấp Logo nhận điện cơ sở kinh doanh trái cây, giấy xác nhận cam kết đảm bảo ATTP.

Một mô hình điểm cũng đạt hiệu quả cao là “ATTP tại tuyến phố văn minh Triệu Việt Vương (phường Bùi Thị Xuân)”. Với 50 cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên tuyến, quận đã đẩy mạnh truyền thông kiến thức ATTP; khám sức khỏe, giám sát tại cơ sở… Nhờ đó đến nay, 50/50 cơ sở chấp hành nghiêm quy định về đảm bảo ATTP, văn minh đô thị; không xả rác, chiếm hè, đường.

Đặc biệt, mang lại hiệu quả rõ nét nhất là Đề án “Mô hình điểm về ATTP tại phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân; bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận giai đoạn 2016 - 2018”, được UBND quận phối hợp với các phường triển khai từ tháng 8/2016. Hết tháng 10/2018, kết quả lớn nhất là 100% cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại hai phường và các bếp ăn tập thể thuộc cơ sở giáo dục tại quận đã được quản lý, cấp GCN đủ điều kiện ATTP hoặc ký, thực hiện đúng cam kết về ATTP. Đồng thời, 98% chủ cơ sở, người trực tiếp SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại hai phường và các bếp ăn này được xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ; 100% cơ sở, bếp ăn sử dụng rau, củ, thực phẩm an toàn; trên 85% người tiêu dùng biết chọn cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống đảm bảo ATTP... Đặc biệt, tại các cơ sở, bếp ăn này gần đây không xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm.

Gỡ khó cho cơ sở

Khảo sát tại phường Lê Đại Hành - một trong hai phường được chọn thực hiện Đề án này, có thể thấy chuyển biến rõ rệt. Với 192 cơ sở SXKD thực phẩm ăn uống, thức ăn đường phố, UBND phường đã tham mưu Đảng ủy phường xây dựng riêng nghị quyết về đảm bảo VSATTP triển khai trong toàn Đảng bộ; đầu mỗi năm đều kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ), tổ kiểm tra liên ngành VSATTP của phường. Tổ vừa kiểm tra vừa nhắc nhở; nếu cơ sở chưa được cấp GCN đủ điều kiện ATTP thì tổ hướng dẫn mọi thủ tục cần thiết. Ban Chỉ đạo thường xuyên liên hệ các phòng chuyên môn quận để kịp thời tham vấn thực hiện tại cơ sở; phối hợp với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể phường tăng cường tuyên truyền đến hội viên, Nhân dân về ATTP. Ủy ban MTTQ, các đoàn thể trở thành thành viên tích cực nhất giám sát VSATTP tại cơ sở, để Ban Chỉ đạo và tổ liên ngành kịp thời xử lý vi phạm.

“Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người dân vào cuộc đồng bộ, nên năm 2016 phường mới đạt 50% cơ sở có GCN đủ điều kiện ATTP thì hiện đã đạt 86,5%; cùng 94% cơ sở có xác nhận kiến thức ATTP, 98% cơ sở ký cam kết ATTP… Điều đó cho thấy, các cơ sở đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác VSATTP, nhất là phải có GCN đủ điều kiện ATTP thì mới được khách hàng tin tưởng” - Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thu Hường chia sẻ. Song theo bà Hường, khó khăn nhất là phường thiếu cán bộ chuyên trách VSATTP. Cấp phường chỉ có trưởng trạm y tế phụ trách công tác này, trong khi ATTP không chỉ thuộc lĩnh vực y tế mà liên quan cả công thương, nông nghiệp. Các cơ sở lĩnh vực công thương tại phường đang do cán bộ quản lý thị trường quận phụ trách; cơ sở nông nghiệp lại do cán bộ phòng Kinh tế, cán bộ Thú y quận phụ trách. Nên để có thể bao quát sâu sát, phường rất cần một cán bộ chuyên trách tổng hợp được cả 3 lĩnh vực.

Cùng kiến nghị TP sớm bố trí biên chế phụ trách ATTP tại các phường, Trưởng phòng Y tế quận Cao Thị Hoa cho rằng: Để giúp quận triển khai tốt các mô hình điểm, tiến tới nhân rộng, UBND TP cần sớm có quy hoạch, phương án quản lý phù hợp hoạt động thức ăn đường phố và triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP thuộc thẩm quyền cấp huyện, xã.