Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác in sao đề thi THPT quốc gia 2017: Bố trí dự phòng 10% số đề thi

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Công tác in sao đề thi đã hoàn tất với quy trình hết sức chặt chẽ. Cứ 20 phòng thi có số đề thi dự phòng tương đương 2 phòng. Sáng nay, trường đã thực hiện bàn giao đề thi in sao cho Sở GD&ĐT Hà Nội”- PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội vừa trả lời báo Kinh tế & Đô thị trưa nay 21/6.

Thưa ông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện công việc in sao đề thi THPT quốc gia 2017 như thế nào?

Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội được Sở GD&ĐT Hà Nội tin tưởng giao cho công tác in sao đề thi bởi thứ nhất trường có cơ sở in sao đề thi tốt. Tuy nhiên, ngoài thành phần những người thực hiện công việc in sao đề ở ĐH Bách khoa Hà Nội còn có thêm cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tham gia vào. Khối lượng đề năm nay cũng tương đối lớn, khoảng 575.000 đề cho tất cả 9 môn thi của 5 bài thi, nhiều hơn năm ngoái. Tuy nhiên, do bộ đề thi năm nay, đặc biệt là các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề riêng. Và, đối với bài thi tổ hợp của 3 môn thi không những yêu cầu mỗi thí sinh có mã đề riêng và phải trùng nhau. Điều đó đặt ra cho công tác in sao đề hết sức cẩn thận, không sai sót, không trùng mã đề và mã đề phải xếp theo thứ tự để khi cán bộ coi thi phát đề cho thí sinh cũng đảm bảo tuân theo thứ tự từ trên xuống dưới. Việc này đòi hỏi nhà trường chỉ đạo tổ in sao phải hết sức cẩn thận. Đến giờ phút này, công tác in sao đề đã hoàn tất với quy tình hết sức chặt chẽ, quy trình giảm thiểu tối đa sai sót.
 PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy vậy, để dự phòng sai sót có thể xảy ra, trường ĐH Bách khoa Hà Nội có đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội đồng ý cấp 10% đề thi dự phòng, nghĩa là nếu có 20 phòng thi thì số lượng đề dự phòng tương đương với 2 phòng. Chúng tôi hy vọng không có sai sót xảy ra. Tôi biết trong chỉ đạo thi của Ban Chỉ đạo TP Hà Nội cũng có những cách để giảm thiểu khắc phục sự cố nếu có xảy ra.

Năm nay, nhà trường cử bao nhiêu cán bộ tham gia coi thi và công tác tập huấn được tổ chức như thế nào?

Chúng tôi huy động 800 giám thị tham gia coi thi. Nhà trường đã tổ chức hai buổi tập huấn cho cán bộ coi thi với nội dung hết sức chi tiết. Không chỉ thế, chúng tôi còn tổ chức thêm một buổi dành cho cán bộ chưa tham dự được buổi tập huấn buổi thứ nhất và thứ hai.

Tuy vậy, sáng nay các địa điểm thi tiếp tục phổ biến các quy chế thi cho giám thị coi thi. Trong đó, đặc biệt lưu ý các giám thị những điểm rất mới của quy chế thi năm nay. Việc tập huấn chủ yếu liên quan đến những mã đề, tổ hợp thi là chuyện khá phức tạp. Vì nếu không tập huấn tốt cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh liên tục rất có thể xảy ra sai sót và quyền lợi của các em bị ảnh hưởng. Và, một phần thầy cô coi thi có nghiệp vụ rất tốt, phần còn lại là thí sinh coi thi phải có trách nhiệm để khi rà soát các đề thi sau trong môn tổ hợp trùng với mã đề các môn thi trước.

Nội dung tập huấn thứ hai là vật dụng được mang vào các phòng thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trước hết thực hiện nghiêm việc mang vào phòng thi, ngoài bút chì, thước kẻ, máy tính bấm tay có trong danh mục cho phép của Bộ, chúng tôi quán triệt với cán bộ những vật dụng tương đương thí sinh mang vào phòng thi. Đặc biệt là những thiết bị ghi và thu âm lại có chức năng phát. Và chúng tôi lưu ý với giám thị trong những trường hợp đó, thí sinh phải trình được giấy chứng nhận thiết bị mang vào chỉ có chức năng ghi hình, thu tiếng nhưng hoàn toàn không có chức năng phát. Một lưu ý nữa đối với giám thị là thí sinh tự do khi thi xong phần môn thứ nhất trong bài thi tổ hợp nhưng không thi môn thứ hai thì phải làm thế nào trong trường hợp đó.

Đặc biệt là hết bài thi thứ nhất trong môn thi tổ hợp, chúng ta phải thu lại giấy nháp và đề thi. Việc này phải làm hết sức cẩn thận tránh tình trạng thí sinh sử dụng thời gian của môn thi sau để làm bài thi của môn thi trước nhằm có kết quả cao sẽ dẫn đến sự không công bằng với các thí sinh khác.

Tôi biết Hà Nội năm nay có sáng kiến rất tốt trong giấy nháp của từng môn thi trong bài tổ hợp có sự khác nhau để phân biệt. Như vậy, nếu sang bài thi số sau mà thí sinh vẫn sử dụng giấy nháp của bài thi trước thì đó là phạm quy.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Sở GD&ĐT Hà Nội giao cùng phối hợp tổ chức bao nhiêu điểm thi?

Chúng tôi được giao 22 điểm thi, trong đó có 12 điểm thi ở 4 quận nội thành và 10 điểm thi ở 4 huyện ngoại thành. Mỗi phòng thi có 1 giám thị của ĐH, 1 giám thị của bên trường phổ thông. Mỗi điểm thi có giám thị hành lang thực hiện theo bố trí của Sở GD&ĐT Hà Nội và Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội là giám sát không quá 6 phòng thi. Ngoài ra, mỗi điểm thi huy động 1 lãnh đạo của các khoa, viện là phó trưởng điểm thi và 1 thư ký. Như vậy, tổng số lượng dự trữ, dự phòng, huy động cán bộ của trường là gần 800 người.

Với việc năm nay, Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương chủ trì tổ chức thi THPT quốc gia 2017, công tác tổ chức thi của các trường ĐH nhẹ nhàng hơn năm trước?

Đúng. Về nguyên tắc các trường tham gia vào quá trình tổ chức thi rất ít. Các trường không phải lập danh sách, mượn địa điểm, chuẩn bị cơ sở vật chất mà chỉ bố trí người tham gia coi thi và in sao. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để kỳ thi diễn ra an toàn và đảm bảo tính nghiêm túc và để giúp các trường ĐH lựa chọn được thí sinh có chất lượng đó cũng là trách nhiệm của các trường. Hiện nay chúng tôi chỉ đạo cán bộ coi thi thực hiện làm nghiêm túc nhất, thực hiện đúng quy chế nhất, đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như các em có kết quả tốt để các trường xét tuyển.

Xin cảm ơn ông!