Pháp luật Việt Nam luôn ghi nhận và bảo đảm việc đối xử phù hợp và tôn trọng đối với phụ nữ, người chưa thành niên, người dân tộc thiểu số, được quy định tại các đạo luật cơ bản như Hiến pháp (các điều 5, 26, 36, 37, 58), Bộ luật hình sự (các điều 46, 48 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các Điều 51, 52 Bộ luật hình sự 2015), Bộ luật tố tụng hình sự (các điều 10, 63 Bộ luật tố tụng hình sự 2003; các điều 15, 19, 26, 243, 260 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015), Luật thi hành án hình sự (các điều 4, 27, 29, 38, 43, 45, 111; mục 3), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các điều 4, 18, 23, 28; Chương V). Để bảo vệ quyền của nhóm người này không chịu tác động của các hình thức tra tấn, các Bộ, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện dưới nhiều hình thức khác nhau cho các cán bộ, chiến sĩ về việc đối xử phù hợp và tôn trọng đối với nhóm người này như:
Ảnh minh hoạ |
TAND tối cao có chương trình hợp tác kỹ thuật về nhân quyền giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a giai đoạn 2005-2015, trong đó đã có các hoạt động hợp tác với Ủy ban nhân quyền của Ô-xtrây-li-a nhằm tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm của Ô-xtrây-li-a trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Các hoạt động chủ yếu thực hiện theo mô hình học tập kinh nghiệm nước ngoài sau đó phổ biến cho các Thẩm phán, cán bộ tòa án tại các tọa đàm.
Bộ Công an đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, hội thảo, hội nghị tuyên truyền về Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam trong lực lượng CAND cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ làm công tác điều tra, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp và lực lượng CA xã, trong đó lồng ghép nội dung về cách thức đối xử với nhóm người này trong tất cả các giai đoạn liên quan đến công tác CA…
Các hội nghị đều yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là phụ nữ, người chưa thành niên, người già; đối xử phù hợp và tôn trọng đối với phụ nữ, người chưa thành niên, người già yếu phù hợp với quy định pháp luật như yêu cầu người phiên dịch, người dịch thuật trong trường hợp người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt; giam giữ riêng đối với phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên được bố trí làm những công việc phù hợp với giới tính, sức khoẻ và độ tuổi; không làm các công việc nặng nhọc, độc hại.
Bộ NN&PTNT, trong quá trình tham gia xây dựng hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, luôn đảm bảo tính bình đẳng, tôn trọng phụ nữ, trẻ vị thành niên và các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo hoặc các nhóm yếu thế khác trong xã hội, phù hợp với các quy định pháp luật. Các quy định cho các nhóm đối tượng này có hình thức đãi ngộ tốt hơn, yêu cầu điều kiện thấp hơn và quyền lợi đảm bảo tốt hơn, hình thức xử phạt cũng nhẹ hơn so với đối tượng bình thường khác. Ngoài ra, trong quá trình triển khai các chương trình, đề án như Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, Kế hoạch hành động giới, các chương trình tuyên truyền cho ngư dân đều nhấn mạnh nguyên tắc này.