“Hà Nội đang vươn lên với khí thế mới của một Thành phố sáng tạo, Thành phố hòa bình nên hơn lúc nào hết tư tưởng đó phải được thể hiện trong xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống công viên, vườn hoa của Thủ đô, góp phần nâng cao môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho Nhân dân trong thời kỳ phát triển mới”. Đó là ý kiến chia sẻ của KTS Phạm Thanh Tùng - chuyên gia kiến trúc đô thị, Hội KTS Việt Nam khi trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị.
Từ năm 2014, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội vẫn rất thiếu công viên quy mô phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Theo quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa và hồ điều hòa đến 2030 đã được lãnh đạo TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2014 thì khu vực nội đô có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo và 7 khu công viên đặc thù.
Đã gần 20 năm trôi qua, dù Hà Nội đã rất quan tâm triển khai nhiều dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa, song trên thực tế rất ít dự án được thực hiện còn lại hầu hết là nằm trên... bản vẽ. Trong khi đó với thời gian gần 20 năm đó, diện mạo kinh tế, đô thị Hà Nội không ngừng thay đổi.
Hàng trăm dự án bất động sản với các chung cư cao vài chục tầng mọc lên cùng với tốc độ tăng dân số trung bình là 200.000 dân/năm càng làm cho môi trường sống thêm bí bách ngột ngạt. Cùng với đó, tình trạng hay điều chỉnh quy hoạch, thiếu nguồn vốn đầu tư… Tất cả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hệ thống công viên của Hà Nội đã thiếu lại còn xuống cấp như hiện nay.
Đối với những dự án công viên chậm triển khai, cần có hành lang pháp lý, chế tài xử lý như thế nào để quy hoạch luôn được bảo đảm, thưa ông?
- Bên cạnh số ít công viên được thành hình, một số công viên, dự án công viên do các DN lớn đầu tư cũng rất trì trệ trong triển khai. Như công viên Đống Đa có quy hoạch từ năm 1998 đến nay vẫn còn hoang hóa. Hay công viên Hello kitty trên khu đất vàng sát Hồ Tây (quận Tây Hồ), công viên Kim Quy ở huyện Đông Anh đã “treo” từ nhiều năm nay, công viên Bắc Linh Đàm là nơi chứa rác thải...
Còn các công viên trung tâm như Thống Nhất, Thủ Lệ, Tuổi trẻ thì ngày càng xuống cấp, diện mạo nhếch nhác và không an toàn. Đó là thực trạng đáng buồn gây lãng phí nguồn lực đất đai và hơn nữa là làm mất niềm tin của Nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục thực trạng đã kéo dài hai thập niên qua, theo tôi, Hà Nội cần quan tâm đến một số vấn đề như nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý xây dựng và quy hoạch kiến trúc của Thủ đô. Cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách để xử lý những vi phạm đang tồn tại, kiên quyết thu hồi và có chế tài (phạt tiền) với những dự án đã được duyệt nhưng chậm hoặc không triển khai.
Theo ông, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình công viên cây xanh có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
- Nếu nguồn lực của Hà Nội hạn chế thì nên tập trung đầu tư có trọng điểm cải tạo các công viên trung tâm ở nội đô, kể cả vườn hoa nhỏ đã có. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế hợp lý thu hút đầu tư nhằm đảm bảo được diện tích công viên, cây xanh được xây dựng theo đúng quy hoạch, đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư; đồng thời phải tăng cường quản lý để tránh những biến tướng trong quá trình thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn ông!