Credit Suisse đối mặt nguy cơ vỡ nợ, chứng khoán Mỹ lại bị bán tháo

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tâm lý lo sợ bao trùm Phố Wall khi định chế tài chính toàn cầu Credit Suisse lộ dấu hiệu bất ổn. 

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ Goldman Sachs giảm hơn 3% trong phiên ngày 15/3. Ảnh: AP
Cổ phiếu ngân hàng Mỹ Goldman Sachs giảm hơn 3% trong phiên ngày 15/3. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones rớt 0,9% xuống 31.874,57 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,7% về mức 3.891,93 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite đảo chiều ngoạn mục khi tăng nhẹ 0,05% lên 11.434,05 điểm.

Kết phiên, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall thoát khỏi các mức đáy khi giới đầu tư bình tĩnh trở lại sau khi đánh giá lại tác động từ thông tin Credit Suisse đứng trước nguy cơ vỡ nợ và đón thêm tin tốt từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ. Chỉ số Dow Jones có thời điểm trong phiên giao dịch sụt 725 điểm, và S&P 500 trong tích tắc xoá sạch đà tăng trong năm 2023.

Ngày 15/3, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ tuyên bố sẽ hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng lớn thứ hai nước này là Credit Suisse trong trường hợp cần thiết.

Các nhà đầu tư lo ngại sau khi Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Saudi, nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, cho biết họ không thể cung cấp thêm bất kỳ khoản tài trợ nào. Giá cổ phiếu Credit Suisse niêm yết tại Mỹ rớt xuống mức thấp kỷ lục khi lao dốc 14% trong phiên ngày 15/3.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu các ngân hàng lớn của Mỹ giảm điểm cùng với Credit Suisse, với Citigroup mất 5,4%, Wells Fargo và Goldman Sachs đều giảm hơn 3%, chứng chỉ quỹ Financial Select Sector SPDR giảm 2,7%.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực nhỏ (regional bank) của Mỹ từng phục hồi trong phiên 14/3 đã sụt mạnh trong phiên 15/3. First Republic Bank và PacWest Bancorp lần lượt giảm 21,4% và 12,9%.

Phát biểu trên đài CNBC, nhà phân tích thị trường Edward Moya của công ty môi giới Oanda nhận định: “Chúng ta đang thấy những biến động trong ngành ngân hàng bắt đầu từ ngân hàng Silicon Valley rồi lan rộng ra toàn cầu. Các thị trường đang nhận ra rằng ngân hàng lâm vào khó khăn vì phần lớn mô hình lợi nhuận dựa vào môi trường lãi suất gần 0”.

Mối lo về bất ổn gia tăng trong hệ thống ngân hàng cùng số liệu thống kê tiếp tục cho thấy lạm phát suy yếu ở Mỹ, đã củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất hoặc tăng lãi suất với bước nhảy nhỏ trong cuộc họp vào tuần tới.

Một số chuyên gia cho rằng việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ đã gây ra những rạn nứt trong hệ thống tài chính.

“Fed đã thắt chặt tiền tệ với tốc độ mạnh nhất, kịch tính nhất mà chúng tôi từng thấy kể từ năm 1980, vì vậy tôi nghĩ rằng đây có thể là cơ hội để họ tạm dừng” - chuyên gia Jack Ablin, CIO của Cresset Capital, nói với Reuters.

Trong khi đó, giáo sư tài chính Wharton Jeremy Siegel nhận xét với CNBC rằng trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,25% và báo hiệu sẽ "tạm dừng” chính sách thắt chặt tiền tệ trong tương lai.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày 15/3 cho thấy giá bán buôn tháng 2 yếu hơn dự báo, phản ánh tăng trưởng và lạm phát trong nền kinh tế cùng đang suy yếu. Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Ba cũng đưa ra những con số phù hợp với dự báo và cũng cho thấy sự giảm tốc của lạm phát.

Từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023, Fed đã nâng lãi suất 8 lần, từ khoảng 0- 0,25% lên tới 4,5-4,75%. Các ngân hàng trung ương khác cũng liên tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.