Do không có nước sạch để dùng nên cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân bị đảo lộn, thậm chí chuyện vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" đã xảy ra.
Đầu hè đã thiếu nước
Phản ánh đến Kinh tế & Đô thị về tình trạng khan hiếm nước sạch tại cụm nhà chung cư OCT2 Bắc Linh Đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Quản trị nhà chung cư cụm OCT2 cho biết, việc nước chảy yếu của các tòa nhà bắt đầu diễn ra từ khoảng 3 - 4 năm. Thời gian trước, buổi đêm vẫn có nước chảy vào bể ngầm nên người dùng vẫn có thể sử dụng tiết kiệm, song hiện tại, cả đêm lượng nước chảy vào các bể ngầm nhỏ giọt nên không thể đủ nước bơm lên các căn hộ. Cao điểm khoảng một tuần nay, các hộ dân đã hoàn toàn không có nước để dùng.
Cư dân tòa DDN1, cụm nhà OCT2 KĐT Bắc Linh Đàm đang kiểm tra bể nước dưới chân tòa nhà, nơi dự trữ nước để bơm lên các căn hộ đang cạn sát đáy. Ảnh: Vũ Cúc |
Bức bí về tình trạng không có nước để dùng, người dân tại đây đã phản ánh đến đơn vị có trách nhiệm là Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và KĐT (HUDS) và Xí nghiệp 1 thuộc HUDS. Sau đó, đơn vị này đã cho xe téc đến để bơm vào bể ngầm 3 tòa đơn nguyên. “Thời tiết nóng nực, nhu cầu dùng nước tăng lên nhưng hơn 230 hộ dân với khoảng 700 người mỗi ngày chỉ được phân phối 5 xe téc với khoảng 35 khối nước nên luôn phải “nhịn” nhiều nhu cầu tối thiểu. Khổ nhất là khi xe téc đến bơm nhiều hộ không có nhà để hứng, phải xuống bể ngầm vét từng xô lên để dùng tạm, vì thế vệ sinh trong bể ngầm cũng không được đảm bảo. Nhiều vợ chồng còn cãi nhau chỉ vì thiếu nước. Chúng tôi cũng không biết được, tình trạng thiếu nước sinh hoạt này còn kéo dài bao lâu, khi hiện tại mới là thời điểm đầu hè” – ông Tuấn bức xúc.
Cần cuộc “đại phẫu thuật” hạ tầng
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt nói trên, ông Lưu Đình Đắc – Phó Giám đốc Xí nghiệp 1 phân trần, hiện nay toàn bộ KĐT Bắc Linh Đàm nguồn nước là do HUDS ký hợp đồng mua từ Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco) để phân phối cho cư dân. Từ tháng 3/2017, HUDS đã có văn bản gửi Viwaco đề nghị có phương án tăng cường bổ sung việc cấp nước cho khu vực này vào dịp cao điểm hè, nhưng phía Công ty Viwaco cho biết, hiện áp lực nước của đường ống nước sông Đà yếu, họ khó đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của khách hàng.
Trong khu vực nhà tắm, nhà bếp của gia đình nào cũng lỉnh kỉnh xô chậu trữ nước để dùng cho những nhu cầu tối thiểu. |
Theo ông Lưu Đình Đắc, vì là đơn vị kinh doanh, hoàn toàn phụ thuộc nguồn cấp của Viwaco nên cũng khó trả lời chính xác thời gian nào cư dân OCT2 KĐT Bắc Linh Đàm có đủ nước sạch để dùng. Tuy nhiên, hiện Xí nghiệp đang triển khai các giải pháp nhằm khắc phục trước mắt và lâu dài tình trạng này. “Ngoài việc cung cấp bằng xe téc hàng ngày, chúng tôi còn thực hiện việc điều áp nước vào các tòa đầu nguồn để nước có thể chảy tới những tòa cuối nguồn. Quan trọng nhất là từ ngày 16/5, chúng tôi bắt đầu triển khai cải tạo nâng cấp mạng đường ống cấp nước tại KĐT này, bố trí hệ thống đường ống to hơn, giảm thất thoát đến mức tối đa. Việc cải tạo dự kiến sẽ thực hiện trong khoảng 3 tuần và theo hình thức cuốn chiếu, xong đến đâu là sử dụng đường cấp nước mới luôn đến đó” – ông Đắc cho biết.
Trong những năm qua, mặc dù TP đã liên tục đầu tư nâng cao sản lượng và chất lượng nguồn nước để phục vụ người dân Thủ đô, song những bất cập lớn từ việc quy hoạch các KĐT, chưa tính đến khả năng phát triển cư dân nhanh chóng, đã dẫn đến quá tải các công trình hạ tầng nhưng lại chậm được cải thiện. Tại KĐT Linh Đàm, nhu cầu sử dụng nước của khu vực này đã vượt quá quy hoạch ban đầu, vậy mà hệ thống đường ống cấp nước hầu như chưa được nâng cấp. Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần một cuộc "đại phẫu thuật" về hạ tầng cấp nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, để làm được cuộc đại phẫu ấy không đơn giản, không thể một sớm một chiều, nhưng cũng không thể để người dân nơi đây mãi rơi vào cảnh: Mới đầu hè đã "khát" nước sạch.