Cử tri Anh với quyết định Brexit: Bỏ và bị bỏ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cử tri Anh mới quyết định lựa chọn Brexit, có nghĩa là nước Anh, để cho đầy đủ và chính danh thì phải nói là Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland bao gồm xứ Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland, rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức nhưng Chính phủ Anh chưa chính thức chuyện Brexit với EU thì chính quyền xứ Scotland đã quyết định tạo tiền đề pháp lý cần thiết để quyết định lại chuyện ly khai nước Anh. Nước Anh rời bỏ EU và ngay lập tức phải đối phó với nguy cơ bị xứ Scotland, rồi đây rất có thể cả Bắc Ireland nữa, rời bỏ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, đa số cử tri ở xứ Scotland và Bắc Ireland không tán thành Brexit vì muốn là một phần của EU. Bây giờ, khi nước Anh không còn là thành viên của EU nữa mà bản thân vẫn muốn ở trong EU thì các xứ này chỉ còn cách phải độc lập với nước Anh, phải ra khỏi thể chế nhà nước Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, phải trở thành nhà nước độc lập mới ở châu Âu để có thể tự quyết định chuyện tham gia EU.

Bị nước Anh rời bỏ, EU phải trực diện với nguy cơ tan rã nếu như rồi đây có thành viên khác làm theo Brexit. Bị xứ Scotland rời bỏ, nước Anh trong thể chế nhà nước hiện tại cũng tan rã. Hai năm trước đây, ở Scotland đã từng có cuộc trưng cầu dân ý về việc xứ này ly khai nước Anh hay vẫn tiếp tục thuộc về nước Anh. Kết quả là chỉ có 45% cử tri Scotland bỏ phiếu cho việc xứ này ly khai nước Anh. Khi ấy, bối cảnh tình hình khác. Khi ấy, nước Anh là thành viên EU và ly khai nước Anh thì xứ Scotland đứng ở bên ngoài EU. Hệ lụy này đóng vai trò rất quyết định khiến cho đa số cử tri Scotland trong cuộc trưng cầu dân ý ấy đã không để tình cảm lấn át lý trí. Nhìn nhận như thế sẽ có thể dự đoán được là nếu lại tổ chức trưng cầu dân ý ở Scotland về việc ly khai nước Anh thì ở lần này, phe ủng hộ ly khai chắc sẽ thắng thế. Ở lần trưng cầu dân ý tới này mà chính quyền xứ Scotland dự kiến tổ chức vào năm 2018, cả tình cảm lẫn lý trí đều thôi thúc cử tri ở đây quyết định chia tay nước Anh, hay nói cho đúng hơn là rời bỏ nước Anh.

Thời điểm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về việc xứ Scotland độc lập với nước Anh không thể sớm hơn năm 2018 vì theo luật lệ hiện hành của EU, Chính phủ Anh có thời gian từ nay đến khi đó để đàm phán với EU về Brexit. Đến khi đó, chắc chắn mọi tác động, hậu quả và hệ lụy của Brexit đối với nước Anh và xứ Scotland, đối với EU và thế giới đã biểu lộ hay được xác định rõ ràng và cụ thể hơn bây giờ, tác động của cú sốc mang tên gọi Brexit cũng sẽ đã qua, sẽ có nhưng không nhiều tác động tới cử tri xứ Scotland bởi nếu muốn đứng trong hàng ngũ của EU thì họ đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài phải rời bỏ nước Anh. Nước Anh đã rời bỏ EU và gần như không còn cơ hội lại được EU thu nạp, nếu có thì cũng phải rất lâu nữa, lâu đến mức dân xứ Scotland không thể chờ đợi được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần