Cua Cà Mau được bảo hộ bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Sở hữu trí tuệ vừa ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm “Cua Cà Mau”. Sau tôm sú, đây là sản phẩm thứ hai được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Cà Mau.

Chất lượng đặc trưng

Là một trong 13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cũng là tỉnh cực Nam của Việt Nam, Cà Mau có 3 mặt giáp biển, là nơi chứa đầy phù sa, vùng ngập mặn, lợ phong phú, thích hợp cho các loài giáp xác như tôm, cua... Con tôm, cua vùng đất này có độ ngọt và giàu dinh dưỡng hơn vùng đất khác. Vì thế, từ lâu cua Cà Mau trở thành một thương hiệu nổi tiếng không thể lẫn, bởi chất lượng đặc trưng.

Cua mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau là giống cua xanh (tên khoa học là Scylla paramamosain) được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau.
Cua mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau là giống cua xanh (tên khoa học là Scylla paramamosain) được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau.

Việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là cơ sở pháp lý và công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, khẳng định cua Cà Mau với thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương.

Cua mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau là giống cua xanh (tên khoa học là Scylla paramamosain) được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau, được thả với mật độ 1 – 2 con/m2 có kết hợp với các loài thủy sản khác như: tôm, sò huyết... để bổ sung thức ăn tự nhiên cho cua.

Cua Cà Mau có kích thước lớn, cua gạch có chiều dài thân 11,3 – 13,14 cm, chiều rộng thân 7,92 – 9,66 cm, chiều dày thân 3,37 – 4,95 cm, trọng lượng từ 0,26 – 0,39 kg/con; cua thịt có chiều dài thân 9,84 – 13,66 cm, chiều rộng thân 6,68 – 9,96 cm, chiều dầy thân 3,2 – 4,7cm, trọng lượng từ 0,22 – 0,46 kg/con.

Ngoài ra, cua Cà Mau còn có hàm lượng Protein và Lipid (béo) cao trong thịt và gạch cua. Cua gạch Cà Mau có hàm lượng Protein trong thịt cua là 14,06 – 19,99%, hàm lượng Lipid (béo) trong thịt cua là 0,46 – 2,1% và hàm lượng Lipid (béo) trong gạch cua là 5,64 – 10,62%. Cua thịt Cà Mau có hàm lượng Protein trong thịt cua là 14,34 – 18,75%, hàm lượng Lipid (béo) trong thịt cua là 0,44 – 1,92%.

Khu vực địa chỉ dẫn đị lý gồm các xã, phường và thị trấn thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn,  Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời, cùng một số xã phường của huyện Thới Bình và TP Cà Mau.

Do đặc điểm sinh trưởng địa lý, cua gạch Cà Mau có hàm lượng protein trong thịt cua từ 14,06 đến 19,99%, cao hơn cua ở các nơi khác.
Do đặc điểm sinh trưởng địa lý, cua gạch Cà Mau có hàm lượng protein trong thịt cua từ 14,06 đến 19,99%, cao hơn cua ở các nơi khác.

Bảo tồn "sản vật trời ban"

Có những tính chất, chất lượng đặc trưng như vậy, cua Cà Mau còn nhờ có các điều kiện tự nhiên đặc thù, thích hợp tập tính sinh sống của cua biển. Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Cua Cà Mau” có nền nhiệt độ trung bình 27,1ºC (cao nhất tháng 4 và thấp nhất tháng 1), chênh lệch giữa các tháng trong năm không quá 5ºC.

Nền nhiệt độ này hoàn toàn phù hợp cho cua biển sinh trưởng và phát triển. Nước trong khu vực địa lý có độ pH trung bình là 7,36, độ mặn dao động không lớn, từ 7,00 – 36,10‰. Mặt khác, khu vực địa lý ít chịu ảnh hưởng của bão nên hoạt động sinh lý của cua ít bị biến động mạnh.

Biển Cà Mau hiện bên lở, bên bồi, phía Đông từ cửa sông Gành Hào (huyện Đầm Dơi) đến vùng cửa sông Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) bị xói lở, có nơi mỗi năm bị xói lở trên 20m. Nhưng vùng bãi bồi Mũi Cà Mau hàng năm được phù sa bồi đắp từ 50 đến 80m. Khi triều xuống, mực nước vùng bãi bồi rút ra xa hàng trăm mét, lộ ra bờ biển khá bằng phẳng được cấu thành từ cát, bột sét, mùn bã thực vật và xác vỏ của các loài giáp xác, tạo thuận lợi cho nuôi hải sản nói chung, cua biển nói riêng.

Các khu vực bồi tụ được hình thành với tốc độ nhanh ở phía cửa sông như Rạch Gốc, Gành Hào mang theo các vật liệu phù sa mịn chảy vào. Đây là nơi sinh sống thích hợp cho các loài thủy sinh vật và cây rừng ngập mặn là môi trường thuận lợi để cua biển sinh trưởng và phát triển. Các cao niên cho rằng, đây chính nơi có con cua Cà Mau ngon nhất bởi đặc điểm đó.

Được sinh trưởng trên vùng đất ngập mặn nhiều phù sa, cua Cà Mau mang chất lượng đặc trưng riêng.
Được sinh trưởng trên vùng đất ngập mặn nhiều phù sa, cua Cà Mau mang chất lượng đặc trưng riêng.

Tại vùng nuôi cua Cà Mau, có đa dạng các loài động vật đáy, động vật nổi với số lượng cao, là thức ăn cho cua trong quá trình sinh trưởng và phát triển, ảnh hưởng tốt đến quá trình trưởng thành. Theo nghiên cứu, các chỉ số của bùn đáy ao nuôi cua phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cua Cà Mau.

Trong đó, chỉ số pH ổn định (trung bình 7,6) tạo môi trường thuận lợi cho cua và tổng số muối hòa tan (trung bình 2,8%) tạo nên sự rắn chắc của cua trong quá trình sinh trưởng. Khu vực địa lý được đánh giá có năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái ven biển Đông Nam Việt Nam.

Vì thế, nhiều năm qua, cua Cà Mau rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng, luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, các thương lái tìm đến tận nơi sản xuất thu mua với giá cao, được tiêu thụ rộng rãi nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực.

Nghề nuôi cua thương phẩm đang là một mũi nhọn của ngành thủy sản Cà Mau. Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội cua với việc trình diễn 69 món ẩm thực được chế biến từ con cua, góp phần quảng bá ẩm thực mang đậm hương vị đặc trưng vùng đất cực Nam Tổ quốc đến với du khách gần xa...